Tín dụng xanh “lên ngôi”

“Bội thu” báo cáo phát triển bền vững ngành ngân hàng

Năm 2024 có thể nói là một “mùa bội thu” báo cáo phát triển bền vững cho các ngân hàng. Trong số 10 doanh nghiệp dịch vụ tài chính vào vòng chung kết đánh giá bình chọn, có tới 5 ngân hàng lần đầu tiên lập báo cáo phát triển bền vững riêng. Kết quả chung cuộc là 2 ngân hàng lọt vào Top 10 Báo cáo phát triển bền vững tốt nhất.

Ngoài các yêu cầu công bố thông tin chung về các tác động của doanh nghiệp đến môi trường và xã hội như mức tiêu thụ và biện pháp giảm thiểu về năng lượng và các tài nguyên khác, khí thải nhà kính, các chỉ tiêu về người lao động hoặc các hoạt động cộng đồng, xã hội…, báo cáo phát triển bền vững của các ngân hàng trong năm 2024 cũng nhấn mạnh đến các sáng kiến xanh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các nguồn vốn tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên và thúc đẩy phát triển bền vững, hoặc chủ trương hạn chế, cắt giảm cho vay cho các ngành, dự án có mức độ xả thải hay rủi ro ô nhiễm môi trường cao…

Chẳng hạn, ACB công bố cam kết gói “Tín dụng xanh, xã hội” quy mô 2.000 tỷ đồng cuối năm 2023 và đã “hợp tác xuyên suốt với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và các tổ chức tư vấn quốc tế uy tín trong xây dựng khung tài chính bền vững để đảm bảo hoạt động cấp tín dụng xanh được tổ chức, vận hành và theo dõi toàn diện, hiệu quả…”.

Hay BIDV thông tin, trong năm 2023 “là ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tiên ban hành khung trái phiếu xanh theo các chuẩn mực quốc tế được tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's đánh giá rất cao với mức điểm SQS2 rất tốt. Tiếp đó, ngày 25/10/2023, BIDV cũng trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu được phân loại là trái phiếu xanh theo nguyên tắc của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước để huy động vốn tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

LPBank thông tin, có sự gia tăng mạnh mẽ và “tiếp tục mở rộng các dòng tín dụng xanh, góp phần đưa tổng dư nợ từ 2.565 tỷ đồng trong năm 2020 lên 4.883 tỷ đồng trong năm 2023” và “đặc biệt, các dự án nổi bật như Nhà máy điện mặt trời EA Súp 1 với hạn mức tín dụng 2.000 tỷ đồng và Nhà máy công nghệ cao Xuân Thiện Nam Định với 700 tỷ đồng tài trợ từ LPBank đã thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng năng lượng tái tạo...”.

OCB đặt mục tiêu “trở thành ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam trong việc chuyển đổi số và xây dựng hội sở theo chuẩn công trình xanh…”, đồng thời “gia tăng quy mô của tín dụng xanh tăng dần trung bình 8-10% toàn bộ Ngân hàng”. Trong báo cáo năm 2023, OCB thể hiện đã đạt “gần 9% tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng quy mô dư nợ tín dụng…”. Báo cáo cũng thông tin, cuối năm 2023, tổng nguồn vốn xanh và bền vững đã ký kết thoả thuận với các tổ chức tín dụng là 4.117 tỷ đồng và giải ngân cho khách hàng 4.003 tỷ đồng. Chiến lược kinh doanh phát triển bền vững của OCB đã “được trợ lực từ các định chế tài chính quốc tế thông qua các khoản vay dài hạn…” từ WB, IFC, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG)…, tạo nguồn tài trợ cho các dự án xanh mà tiêu biểu là “cho vay dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam Đức Long”…

Những điểm cần lưu ý

Nhìn chung, thông tin về quy mô tín dụng xanh của các ngân hàng đều thể hiện số dư nợ và hơn nữa, một số ngân hàng (như BIDV, MSB và OCB) đã thể hiện luôn tỷ trọng trong tổng dư nợ tín dụng toàn ngân hàng để người đọc đánh giá được mức độ quan trọng của tín dụng xanh. Dù vậy, các ngân hàng còn hạn chế trong việc cam kết mục tiêu phấn đấu cụ thể trong trung và dài hạn về tín dụng xanh, ngoại trừ OCB có đề cập đến chủ trương đạt tỷ lệ 8 - 10% trên tổng tín dụng nhưng cũng không xác định thời hạn cụ thể.

Về đảm bảo phân loại, chất lượng của tín dụng xanh, đa số các báo cáo chỉ đề cập gián tiếp từ việc đạt được thỏa thuận tài trợ của các định chế tài chính lớn trên thế giới để làm nguồn cung cấp tín dụng xanh chứ không đi vào chi tiết, chứng mình đã tuân thủ một khung tài chính bền vững cụ thể cho hoạt động này, ngoại trừ BIDV báo cáo áp dụng nguyên tắc của ICMA cho trái phiếu xanh.

Từ các nhận xét trên, để đánh giá và đo lường hiệu quả tín dụng xanh trong danh mục cho vay của các ngân hàng một cách khách quan, thực chất, chúng tôi đề xuất các ngân hàng chú trọng vào các mặt sau:

Thứ nhất, xây dựng khung chuẩn cho tín dụng xanh

- Khung chuẩn quốc tế: Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế (bao gồm tiêu chuẩn riêng cho ngành ngân hàng dịch vụ tài chính, nếu có) như GRI (Global Reporting Initiative), IFC (International Finance Corporation), SASB (Sustainability Accounting Standards Board), hoặc các tiêu chuẩn về ngân hàng bền vững (Principles for Responsible Banking - PRB) của UNEP Finance Initiative, để có một hệ thống tiêu chuẩn hóa việc đo lường.

- Tiêu chuẩn nội bộ: Ngân hàng có thể xây dựng bộ chỉ số riêng liên quan đến các khía cạnh về khí hậu, sử dụng tài nguyên, quyền lợi xã hội và quản trị công ty phù hợp với tình hình riêng của nước mình sau khi tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế.

- Quy chuẩn quốc gia về tín dụng xanh: Tích cực tham gia kiến nghị hoặc đóng góp vào việc xây dựng các quy định và hành lang pháp lý cho tín dụng/tài chính xanh.

Thứ hai, lồng ghép tiêu chí xanh vào quy trình cấp tín dụng

- Đánh giá rủi ro ESG: Khi thẩm định dự án vay vốn, ngân hàng cần có quy trình đánh giá rủi ro ESG đối với dự án đó, bao gồm tác động môi trường (ô nhiễm, tiêu thụ tài nguyên), tác động xã hội (lao động, cộng đồng) và quản trị doanh nghiệp (minh bạch, đạo đức kinh doanh).

- Phân loại khoản vay: Ngân hàng phân loại danh mục cho vay theo mức độ tuân thủ ESG và ưu tiên các khoản vay hướng đến các hoạt động bền vững.

- Cụ thể hóa các mục tiêu (có thể đo lường): Theo nhóm ngành, nhóm đối tượng cũng như quy trình đánh giá cho vay theo các chuẩn ESG sẽ được áp dụng chung và riêng của từng đối tác cấp vốn.

Thứ ba, áp dụng các chỉ số đo lường hiệu quả ESG

- Chỉ số khí thải: Đo lường lượng phát thải carbon của các dự án được tài trợ hoặc các hoạt động sản xuất, đầu tư.

- Tiêu thụ tài nguyên: Đo lường mức độ tiêu thụ năng lượng, nước, và các tài nguyên thiên nhiên khác của khách hàng vay.

- Chỉ số về quyền lợi xã hội: Đo lường tác động xã hội của các khoản vay, bao gồm việc tạo việc làm, đóng góp phát triển cộng đồng và tuân thủ quyền lợi của người lao động.

- Chỉ số quản trị: Đánh giá mức độ minh bạch trong quản trị, sự tham gia của các bên liên quan trong các quyết định chiến lược của doanh nghiệp.

Thứ tư, cơ chế giám sát và báo cáo

- Báo cáo định kỳ: Ngân hàng cần yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về các tiêu chí ESG trong suốt thời gian vay vốn, có thể dưới hình thức báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều này giúp giám sát và điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động.

- Giám sát bên thứ ba: Sử dụng các tổ chức kiểm toán hoặc giám sát độc lập để đảm bảo độ tin cậy, tính khách quan trong báo cáo của doanh nghiệp.

Thứ năm, khuyến khích và ưu đãi

- Ưu đãi lãi suất: Áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho các khoản vay có mục tiêu xanh và tuân thủ ESG cao nhằm thúc đẩy khách hàng doanh nghiệp hướng đến các hoạt động bền vững.

- Phát hành trái phiếu xanh: Huy động vốn từ các trái phiếu xanh để tài trợ cho các khoản vay đáp ứng tiêu chí môi trường và xã hội. Lãi suất có thể thay đổi theo mức độ thực hiện các chỉ tiêu ESG của doanh nghiệp, chẳng hạn mức độ cắt giảm khí nhà kính. Ví dụ, nếu đạt mục tiêu thì lãi suất sẽ là 3%/năm, nhưng nếu chỉ đạt 80% thì tăng lên 4%/năm, hoặc nếu quá tệ thì lãi suất sẽ cao hơn nữa hoặc phải tất toán…

Thứ sáu, áp dụng công nghệ

- AI và phân tích dữ liệu: Sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và đánh giá các tiêu chí ESG của các doanh nghiệp vay vốn.

- Blockchain: Áp dụng công nghệ blockchain để minh bạch hóa chuỗi cung ứng và quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Thứ bảy, đào tạo và nâng cao nhận thức

- Đào tạo nội bộ: Tổ chức các chương trình đào tạo cho nhân viên ngân hàng để họ nắm vững về ESG và tầm quan trọng của tiêu chí này trong hoạt động của ngân hàng nói chung và tín dụng xanh nói riêng.

- Tuyên truyền: Thực hiện tuyên truyền cho khách hàng, doanh nghiệp và đối tác tài chính hiểu rõ hơn về các lợi ích khi thực hiện tiêu chí xanh và ESG, từ đó thúc đẩy họ tuân thủ nghiêm ngặt hơn.

- Tín dụng tiêu dùng xanh: Cân nhắc mở rộng tín dụng đầu tư và tín dụng tiêu dùng để thúc đẩy định hướng xanh trong xã hội. Việc đo lường và đánh giá ESG trong danh mục cho vay vừa giúp ngân hàng quản lý tốt hơn rủi ro, vừa góp phần tạo ra giá trị dài hạn và bền vững cho cả ngân hàng và xã hội.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn