Tín dụng xanh và khách hàng yếu thế: Góc nhìn bền vững của CEO MB

Cân bằng lợi ích của tín dụng xanh

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, từ 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh năm 2017, hiện đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ tín dụng xanh.

Tính tới cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh của cả nước đạt khoảng 680.000 tỷ đồng, chiếm hơn 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Các ngân hàng lớn tại Việt Nam đang đi đầu trong việc tham gia các chương trình tín dụng xanh gồm BIDV, Vietcombank, MB, Agribank...

Đối với các nhà băng, việc phát triển tín dụng xanh không chỉ giúp ổn định thị trường tiền tệ, phát triển cân đối các ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế “nâu” sang “xanh”, và mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Chia sẻ về mô hình ngân hàng bền vững nhìn từ tín dụng xanh và trách nhiệm xã hội, theo ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MBBank, nói về ESG - Phát triển bền vững có nhiều thứ, chứ không riêng tín dụng, đây chỉ là một cấu phần trong thực hành ESG.

Trong những năm qua, MB ưu tiên tương đối lớn đối với tín dụng xanh, có thể khẳng định lớn nhất hiện nay với tỷ lệ cho vay các dự án xanh chiếm khoảng 8% và đang hướng đến mục tiêu 10%.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MBBank

Câu hỏi đặt ra là làm sao để cân bằng lợi ích giữa tín dụng thông thường và tín dụng xanh, ông Ánh cho rằng, việc đầu tiên cần xác định rõ tín dụng xanh đối với các ngân hàng nói chung và riêng MB là trách nhiệm xã hội trước, sau đó khi làm tốt thì uy tín và vị thế sẽ thay đổi, lúc này sẽ có thuận lợi về huy động vốn trong nước và quốc tế, cùng các dịch vụ đi kèm với tín dụng xanh. Từ đó, xem xét cần bằng một phần hoặc cân bằng được hết các “thiệt hại”.

“Thay vì thu được 3 đồng, thì tín dụng xanh chỉ thu được 2,5 đồng, việc này MB cũng phải cân bằng”, CEO của MB nói thêm.

Về trái phiếu xanh, ông Ánh chia sẻ, MB đang làm và tính toán sao cho hiệu quả, bởi nếu MB phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài rất nhiều đối tác sẽ mua, nhưng câu chuyện là chi phí vì lãi suất USD cao hơn VNĐ. Dự kiến kế hoạch quý II/2025 phát hành là phù hợp, tuy nhiên hiện bối cảnh FED chưa hạ lãi suất, có thể tiếp tục sẽ chưa hạ ngay. Do đó, dùng nguồn vốn trong nước thời điểm này đang có lợi hơn.

“Vốn thì MB không thiếu, trong nước đang rẻ nên MB căn thời điểm và số lượng phù hợp bởi việc này đối với uy tín và xếp hạng tín nhiệm của MB thì không khó. Khi tỷ giá USD giảm xuống, dự kiếnphát hành khoảng 100 - 300 triệu USD”, ông Ánh khẳng định.

Phát triển DN số, phục vụ khách hàng “yếu thế”

Tổng Giám đốc MB cũng thông tin, 2025 ngân hàng có kế hoạch 50% tín dụng dành cho bán lẻ, 50% còn lại cho khối DN trong đó có khối DN nhỏ và vừa và siêu nhỏ. Nhóm siêu nhỏ này có thể coi cùng đối tượng phục vụ với bán lẻ.

Đối với các SME hoặc siêu nhỏ, lâu nay gặp các vấn đề cơ bản. Thứ nhất, rủi ro cao, nợ xấu nhiều. Thứ hai, nhu cầu vay ít, nhỏ lẻ nhưng hệ thống phục vụ lớn, tốn chi phí.

Ông Ánh cho biết, MB giải bài toán này bằng cách dùng nền tảng số, công nghệ trên app Biz MBBank, dựa trên dữ liệu để có được phê duyệt tự động, lựa chọn các nhóm khách hàng phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn, để giảm rủi ro cho khách hàng và cả phía ngân hàng, không thể khẳng định là không có rủi ro được.

1 triệu cây phủ xanh Trường Sa là việc khó, nhưng MB quyết tâm làm

Toàn bộ việc này được thực hiện trên nền tảng BIZ MB nhằm giải phóng nguồn lực con người, công nghệ sẽ giúp chi phí vận hành thấp để bù rủi ro, đảm bảo hiệu quả hoạt động cho ngân hàng.

Vị CEO MB nhấn mạnh, đã xác định là DN số thì phải phục vụ được và tốt nhất các khách hàng yếu thế, khách hàng siêu nhỏ, hoặc ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận các nguồn vốn.

Hiện các khách hàng nhỏ và siêu nhỏ có thể upload hồ sơ vay vốn và duyệt vay tự động trên app MBBank và BIZ MB Bank. Việc này đang được tiếp tục làm, dựa trên các chương trình chuyển đổi số quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia tích hợp, hiện MB đã có được dữ liệu và ngày càng hoàn thiện.

“Hướng đến việc MB có thể phục vụ bất cứ đối tượng nào và ở bất cứ nơi đâu”, ông Ánh cam kết.

Một triệu cây xanh Trường Sa

Mới đây, MB cũng đã khởi động chương trình là HiGreen – Trường Sa xanh, trồng 1 triệu cây xanh ở đảo Trường Sa.

Theo kế hoạch tổng số tiền huy động để thực hiện chương trình là 160 tỷ, trong đó một phần từ ngân sách MB, một phần từ đối tác của MB và từ các đối tác sử dụng dịch vụ của MB cùng chung tay đóng góp vào đó.

MB sẽ cùng với quân chủng Hải Quân, các nhà khoa học nghiên cứu các loại cây, cách thức chăm sóc để cây phát triển. Trồng 1 triệu cây xanh, phải lên một rừng cây chứ không thể trồng xong, sau này cây chết cũng không ổn.

Ngoài HiGreen – Trường Sa xanh, trước đó hàng năm MB đều trình đại hội đồng cổ đông dành một khoản tương đối lớn dành cho trách nhiệm xã hội. Năm 2024 có nguồn hơn 400 tỷ để thực hiện, đặc biệt là chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo MB cũng chia sẻ trong năm 2025 Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao tiếp tục thực hiện chương trình nhà ở xã hội, xoá nhà tạm, nhà dột nát với quy mô lớn, và MB cũng sẽ tham gia triển khai. Con số của năm trước là khoảng 150 tỷ đồng.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn