Tin giả “chèn” tin thật, doanh nghiệp khốn đốn
Ngày 12/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ công an Lương Tam Quang đánh giá, hậu quả của tin giả, tin sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, là mối đe dọa đến kinh tế xã hội, và thậm chí đe dọa đến chủ quyền quốc gia, an ninh toàn cầu.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bị cuốn bay cả ngàn tỷ vốn hóa chỉ sau một tin đồn trên mạng xã hội.
Giữa tháng 10 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện văn bản kiến nghị được cho là của Ban Kiểm soát Eximbank gửi các cơ quan chức năng về việc ngân hàng này cho vay không an toàn, dẫn đến “nguy cơ sụp đổ hệ thống”.
Điều này phần nào ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu EIB của Eximbank. Kết thúc phiên 14/10, gần 42,7 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch khớp lệnh, giá trị tương ứng với gần 780 tỷ đồng, khối ngoại bán ròng với hơn 5,3 triệu đơn vị, tương đương với 97 tỷ đồng.
Đồng thời, EIB cũng trở thành cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận mạnh nhất phiên với giá trị 1.050 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trên HOSE. Đáng chú ý, đây là mức thanh khoản cao nhất trong gần 2 năm trở lại của EIB, kể từ phiên 17/11/2022.
GELEX – cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ của Eximbank cũng “điêu đứng” vì tin đồn. Liên tiếp từ khi EIB công bố thông tin về cổ đông sở hữu trên 1% theo Luật các tổ chức tín dụng, các tin đồn về GELEX và lãnh đạo GELEX liên tiếp được phát tán trên mạng xã hội hay các hội nhóm đầu tư chứng khoán, gây hoang mang.
Ngày 14/11, giá cổ phiếu GEX của GELEX giảm 800 đồng, tương đương giảm 4,21%, với khối lượng giao dịch hơn 12 triệu cổ phiếu. Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ khi GELEX sở hữu 10% vốn điều lệ tại EIB và cũng là ngày ghi nhận hàng loạt tin đồn không kiểm chứng về GELEX và lãnh đạo doanh nghiệp này.
Tính từ ngày 9/8, thời điểm GELEX mua thêm hơn 89 triệu cổ phiếu EIB, giá GEX đóng cửa ở mức 21.450 đồng, đến ngày 14/11 thị giá GEX còn 18.200 đồng, tương đương giảm 17,8%. Ước tính, Vốn hoá của doanh nghiệp này đã giảm hơn 2,6 nghìn tỷ đồng.
Một nhà đầu tư sành sỏi cho biết: “Cổ đông của cả EIB và GEX đều rất hoang mang. Mặc dù biết, thông tin tiêu cực có thể xuất phát từ nội bộ ngân hàng trong giai đoạn có những thay đổi về định hướng phát triển, nhưng ngay cả khi cả EIB và GEX đã phát đi thông cáo trấn an, nhà đầu tư cũng vẫn e ngại”.
Trước đó, vào phiên 8/8/2024, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã TCH-HOSE) cũng đã từng bị bán tháo về mức giá 16.600 đồng/cp. Vốn hóa của công ty này “bốc hơi" khoảng 1.000 tỷ đồng. Điều này được cho là có liên quan đến "tin đồn" tại các hội nhóm về việc doanh nghiệp bị Uỷ ban Chứng khoán điều tra giao dịch trong giai đoạn 2021-2022.
Một doanh nghiệp khác là Vingroup cũng là “nạn nhân” của tin đồn cách đây vài năm. Với quy mô và sức ảnh hưởng của doanh nghiệp này, ngày 11/7/2022, thị trường chứng khoán rúng động trước tin đồn liên quan Chủ tịch tập đoàn. Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, tin đồn thất thiệt về doanh nhân này xuất hiện với tần suất dày đặc, tràn lan.
3 mã cổ phiếu của doanh nghiệp lập tức lao dốc ngay từ khi mở cửa phiên; thị giá của các cổ phiếu này mất 3 - 5% so với phiên trước, có mã có thời điểm nằm sát giá sàn. Chỉ tính riêng thời điểm đó, vốn hóa thị trường của 3 cổ phiếu này mất hàng chục nghìn tỉ đồng.
Khi vướng tin đồn, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư, nhưng sự phục hồi ì ạch của nhiều mã chứng khoán cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư vào thương hiệu doanh nghiệp đã bị tổn thương nghiêm trọng.
“Có những thông tin giả gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán”, Đại tướng Lương Tam Quang nói.
Liên quan trách nhiệm pháp lý đối với đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật, Nghị định 15 của Chính phủ hiện quy định mức 5-10 triệu, được cho là chưa đủ sức răn đe.
Trở lại ví dụ của Vingroup, thời điểm vướng tin đồn về lãnh đạo, chỉ trong một phiên giao dịch, theo thống kê của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã giảm mất gần 300 triệu USD, còn cá nhân tung tin đồn chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, nhưng các quy định còn thiếu tính định lượng để xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên mạng.
"Bộ Công an kiến nghị không cần xem xét đến hậu quả xảy ra với những hành vi này để chúng ta xử phạt đủ sức răn đe", Đại tướng Lương Tam Quang nói.
Trước tình trạng tin đồn, tin giả gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhiều lần, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng từng nhiều lần lên tiếng khuyến nghị các nhà đầu tư cần nhìn nhận, phân tích và đánh giá toàn diện về các yếu tố kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tiếp nhận các thông tin chính thống từ doanh nghiệp, đặc biệt là việc cẩn trọng với tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng với quyết định đầu tư. |
Xem thêm tại vietnamnet.vn