Tín hiệu khởi sắc cho doanh nghiệp xây dựng
Giảm bớt khó khăn
Đại diện nhiều DN ngành Xây dựng chia sẻ, khi các chủ đầu tư dự án bất động sản gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh của nhà thầu xây lắp công trình dân dụng lập tức bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với việc thay đổi chiến lược kinh doanh như chuyển hướng sang dự án đầu tư công, xây dựng công nghiệp, đã khiến kết quả kinh doanh giảm bớt khó khăn.
Đại diện Công ty CP Xây dựng Coteccons thông tin, trong quý I niên độ 2024 - 2025 (1/7/2024 - 30/9/2025) đã ghi nhận doanh thu đạt 4.759 tỷ đồng, tăng 15,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 2,4% cùng kỳ lên 4,3% quý này. Chi phí quản lý DN tăng 42% chủ yếu do tăng chi phí nhân viên, còn khoản dự phòng phải thu khó đòi đã bắt đầu được hoàn nhập trong quý này.
Dù không còn phải trích lập dự phòng trong quý I, song tính tới cuối tháng 9, Coteccons còn phải trích lập dự phòng thu khó đòi 1.429 tỷ đồng. Một số công ty có dư nợ xấu cao với Coteccons như Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Saigon Glory, Công ty CP Đầu tư Minh Việt,... trong đó, khoản nợ xấu 143 tỷ của Saigon Glory mới xuất hiện trong báo cáo quý cuối năm ngoái và phải trích lập dự phòng 100%. Còn khoản nợ xấu với Tân Hoàng Minh đến từ các dự án đã bàn giao từ trước năm 2020.
Tính từ đầu năm tài chính 2025 tới thời điểm hiện tại, Coteccons và Unicons đã trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp và cơ sở hạ tầng, với tổng giá trị lên đến 10.300 tỷ đồng, tạo bước đà vững chắc để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh của giai đoạn tới. Đáng chú ý, tỷ lệ repeat sales/tổng số dự án trúng thầu lên tới 69% với loạt dự án của Sun Group; Ecopark Group; dự án BWID; VinFast…
Có thể thấy, Coteccons đã thực hiện bước chuyển mình quan trọng trong chiến lược kinh doanh, đặc biệt là việc mở rộng cơ cấu doanh thu sang lĩnh vực xây dựng công nghiệp. Sự chuyển hướng này đang mang lại nhiều “trái ngọt”, đặc biệt trong bối cảnh bất động sản dân dụng phục hồi chậm. Tệp khách hàng, đối tác quốc tế được đánh giá có tình hình tài chính vượt trội so với chủ dự án trong nước hiện tại đem lại nguồn thu đều đặn và có rủi ro nợ xấu thấp.
Một DN xây dựng khác là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mặc dù có một quý kinh doanh ảm đạm khi doanh thu thuần giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái còn 975 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp còn 60 tỷ đồng. Việc được BIDV gia hạn tín dụng thường xuyên với hạn mức tối đa 4.000 tỷ đồng cũng là động lực quan trọng giúp Tập đoàn Hòa Bình mở rộng hoạt động kinh doanh.
Với việc bổ sung nhân sự cấp cao có kinh nghiệm quốc tế, đại diện Tập đoàn Hòa Bình cho biết đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một trong những tập đoàn xây dựng hàng đầu khu vực. Nhà thầu này đang tái cấu trúc toàn diện, kiện toàn bộ máy nhân sự, tối ưu hóa chi phí quản lý, tái cơ cấu tài sản thông qua việc thoái vốn các công ty con và công ty liên kết kém hiệu quả.
Quá trình hồi phục sẽ dần rõ nét
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, thị trường xây dựng cuối năm 2024 sẽ duy trì một mức độ tăng trưởng ổn định, nhưng sẽ có sự chậm lại nhất định do các yếu tố như khó khăn về vốn, biến động giá vật liệu và những chính sách tín dụng.
Tuy nhiên, xu hướng phát triển công trình xanh, bền vững và ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra những cơ hội lớn. Các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, phát triển hạ tầng đô thị và tái phát triển các khu vực đô thị cũ cũng sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường xây dựng dân dụng trong tương lai gần.
Về phát triển hạ tầng đô thị, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hứa hẹn sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế. Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67,34 tỷ USD, dự án sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo tiền đề, động lực phát triển cho nhiều ngành như xây lắp, vật liệu...
Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, trong Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khối lượng xây lắp chiếm đến hơn 33 tỷ USD. Tại Việt Nam chưa bao giờ thực hiện dự án nào có vốn và quy mô lớn như vậy. Cho nên, đây có thể là cơ hội "thay da đổi thịt" đối với các nhà thầu xây dựng.
Nếu như đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, vẫn là cầu dây văng… thì thời gian qua, các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình trên. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.
"Với năng lực, trình độ của các DN Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công. Vấn đề cần quan tâm hiện tại là nguồn nhân lực lao động. Hiện các dự án hiện hữu, bao gồm cả dự án cao tốc đang thiếu nhân lực một cách trầm trọng, nhất là lao động thi công trực tiếp. Do đó cũng cần tính toán để có đủ lực lượng lao động triển khai thi công công trình" - ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.
Còn về thị trường, khi bất động sản phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ tăng lên, với diễn biến dần tích cực, hoàn toàn có thể khẳng định bất động sản đã đi qua vùng đáy chữ U và đang có sự tăng trưởng trở lại cùng với đó là sự quan tâm ngày càng lớn từ phía chủ đầu tư và khách hàng... Điều này tạo ra bối cảnh thị trường có sự thay đổi, nhưng thực tế thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.
Các nhà đầu tư bất động sản (chủ yếu là những công ty phát triển bất động sản) sẽ quyết định xây dựng các công trình dựa trên nhu cầu và tiềm năng của thị trường bất động sản. Khi thị trường bất động sản có tiềm năng sinh lời, các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào việc xây dựng dự án như chung cư, biệt thự, khu đô thị, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê...
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, từ nay đến hết năm 2024, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn, nhưng chưa thể “bứt phá” bởi có sự phân hóa theo từng phân khúc, từng khu vực. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư được tiếp thêm niềm tin thì sẽ thúc đẩy dòng tiền chảy vào bất động sản.
Theo CBRE Việt Nam, 2025 là năm đầu tiên của chu kỳ bất động sản mới, thị trường vẫn đi theo xu hướng phục hồi nhưng tốc độ tương đồng năm 2024. Phía Bắc trở thành hạt nhân của chu kỳ mới khi nguồn cung tiếp tục ở mức cao, từ 25.000 - 30.000 sản phẩm; TP Hồ Chí Minh khá khiêm tốn với 7.000 - 8.000 sản phẩm. Mức giá sẽ duy trì đà tăng bởi vấn đề chính của thị trường là nguồn cung, trong khi về ngắn hạn, việc giải tỏa áp lực nguồn cung chưa bứt phá mạnh mẽ. Đối với mức độ hấp thụ trên thị trường, nhu cầu ở mức tốt.
Nguồn vốn cho các dự án xây dựng dân dụng, đặc biệt là trong phân khúc nhà ở, vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ có các chính sách hỗ trợ, nhưng vấn đề tiếp cận tín dụng vẫn là yếu tố quan trọng tác động đến thị trường. Các ngân hàng có thể duy trì lãi suất ở mức cao để kiểm soát rủi ro tín dụng, gây khó khăn cho các DN và người mua nhà.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Hòa Thành Building Đào Đức Thành
Xem thêm tại nguoiquansat.vn