Tại hội nghị ngành ngân hàng mới đây, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, năm 2024 MB triển khai phương án chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TNHH MTV Oceanbank. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ký quyết định chuyển giao bắt buộc Oceanbank cho MB ngày 17/10, ngân hàng tích cực triển khai các biện pháp theo phương án chuyển giao bắt buộc được Chính phủ phê duyệt.
Tín hiệu tích cực hậu chuyển giao
Ông Lưu Trung Thái cho biết, MB đã hoàn thiện mô hình tổ chức mới và kiện toàn bộ máy nhân sự chủ chốt gồm hội đồng thành viên, ban kiểm soát, ban điều hành và trao các quyết định ngày 10/12. "MB đã cử gần 80 nhân sự có chất lượng cao, dày dặn kinh nghiệm, có phẩm chất đạo đức tốt được MB lựa chọn bổ sung cho OceanBank, sắp xếp và đào tạo đội ngũ nhân sự Oceanbank về nghiệp vụ, kỹ năng đảm bảo thu nhập cho người lao động"- ông Thái thông tin.
"Đảm bảo quá trình hoạt động sau chuyển giao diễn ra suôn sẻ, tuyệt đối an toàn, không có gián đoạn giao dịch hoặc sự cố. Sau khi chuyển giao bắt buộc, Oceanbank tăng trưởng huy động vốn được 1.229 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng thêm 555 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch 2024 đăng ký với NHNN. MB và Oceanbank triển khai các khoản bán nợ quy mô 6.000 tỷ đồng" - ông Lưu Trung Thái cho biết. |
Cũng theo Chủ tịch MB, ngân hàng đã báo cáo NHNN phê chuẩn đổi tên Oceanbank thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện đại (MBV) và đang chuẩn bị ra mắt thương hiệu mới vào đầu năm 2025.
Để hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu theo phương án được phê duyệt, MB mong muốn tiếp tục được NHNN quan tâm chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ được phê duyệt theo phương án, trong đó đặc biệt quan trọng là vay 30 nghìn tỷ đồng.
Năm 2025, MB cũng mong muốn NHNN báo cáo Chính phủ thúc đẩy tiến độ các nội dung theo phương án chuyển giao bắt buộc, việc triển khai các quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đối với MB và MBV để hoàn thành tốt, xuất sắc phương án chuyển giao bắt buộc theo phê duyệt của Chính phủ.
Tín hiệu mới sau 2 tháng chuyển giao bắt buộc "ngân hàng 0 đồng". Ảnh TL |
Sau chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ; được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định.
Với Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB), ngày 17/10, NHNN công bố quyết định chuyển giao bắt buộc CB do Nhà nước là chủ sở hữu 100% vốn cho Vietcombank theo phương án được Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa CB dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.
Vietcombank có thể nhận sáp nhập, duy trì CB như một ngân hàng con hoặc bán, chuyển nhượng CB cho nhà đầu tư mới trong và sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc. Theo Vietcombank, CB là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank. Cùng với đó, Vietcombank thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với CB theo quy định và không góp vốn vào CB trong thời gian CB còn lỗ lũy kế. Vietcombank tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ như phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Kể từ khi chính thức chuyển giao, CB đã 2 lần tăng mạnh lãi suất huy động để hút vốn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng tổng cộng 0,35% lên 4,05%/năm; kỳ hạn 3 tháng từ 3,9%/năm lên 4,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên 5,65%/năm gần đây.
Khẩn trương hoàn thành chuyển giao GPBank và DongA Bank năm 2024
Bên cạnh đó, Vietcombank (nhận chuyển giao CB) và MB (nhận chuyển giao OceanBank), hiện còn có hai ngân hàng khác cũng công bố chủ trương nhận chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị nguồn lực để tiếp nhận.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, năm 2024, về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đã đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém.
Trước đó, tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương trình trước ngày 20/12/2024 phương án chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng kiểm soát đặt biệt còn lại là: Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).
Đồng thời, sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn, không để chậm trễ hơn nữa.
Xử lý triệt để nợ xấu và ngân hàng yếu kém cũng là một trong 08 nhiệm vụ trong tâm được Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh trong hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng mới đây. Đó là tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, góp phần bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, minh bạch, đáp ứng chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.
Cùng với đó, theo dõi, giám sát tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu và có giải pháp kịp thời, hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng./.
"Trong năm 2024, 02 trong số 04 ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc. Hai ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm phê duyệt trong năm 2024. Với tinh thần rất khẩn trương, hy vọng trong năm 2024, cả 04 ngân hàng đều được chuyển giao bắt buộc. Việc này đánh dấu một quá trình, rất khó, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, ban, ngành" - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. |