Doanh thu tăng vọt
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho biết, doanh nghiệp đang nhận được rất nhiều đơn hàng từ các đối tác lớn. Từ dịch COVID-19 đến nay, đây là giai đoạn mà các doanh nghiệp thủy sản đều tăng vọt về doanh thu và hàng bán chạy nhất.
“Các đối tác đặt liên tục với giá bán cao hơn mọi năm, nhưng nguồn nguyên liệu ở trong nước hiện đều thiếu, không đáp ứng đủ. Công ty đang lên kế hoạch tăng ca để kịp sản xuất và sắp tới sẽ đưa xưởng mới đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu các đơn hàng cao hơn, chất lượng hơn”, ông Lĩnh nói.
Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hùng Cá - cho hay, những năm trước, mỗi tháng công ty xuất khoảng 300 container, năm nay mỗi tháng xuất khoảng 360 container. Ở thời điểm hiện tại, dù huy động công nhân làm việc hết công suất, doanh nghiệp sản xuất không kịp cho các đơn hàng từ đối tác nước ngoài. Đây là tín hiệu rất đáng mừng với các doanh nghiệp trong ngành sau thời gian dài chật vật.
Xuất khẩu thủy sản đang hồi phục ấn tượng. |
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), quý III đang là giai đoạn ấn tượng của ngành thủy sản với sự phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường. Hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đều tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam với mức 2 con số, đặc biệt là tôm và cá tra.
Theo đại diện VASEP, nếu không có biến động lớn, dự kiến năm nay xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái.
8 thị trường xuất khẩu tăng trên tỷ USD
Ngành dệt may bước vào mùa cao điểm khi số lượng đơn hàng tăng cao. “Dự kiến, các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội,” ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho hay.
Lãnh đạo Hiệp hội dệt may Việt Nam nhận định, nhu cầu từ các thị trường đang ở mức cao, giúp đơn hàng may mặc trong quý IV năm nay và quý I/2025 sẽ tiếp tục dồi dào. Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều khả năng năm nay toàn ngành có thể đạt mục tiêu xuất khẩu từ 43-44 tỷ USD.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ đầu năm đến 15/10 tăng hơn 11,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/10, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 315,9 tỷ USD, tăng 15,3%, tương ứng tăng gần 41,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,6 tỷ USD, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 7,3 tỷ USD, dệt may tăng 2,6 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,3 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, có 8 thị trường xuất khẩu có kim ngạch tăng trên tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, riêng thị trường Mỹ tăng gần 18 tỷ USD, thị trường EU tăng 5,5 tỷ USD; ASEAN tăng 3,2 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 2,5 tỷ USD; Trung Quốc tăng 1,7 tỷ USD; Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tăng 1,3 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 1,2 tỷ USD; Australia tăng 1,1 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến ngày 15/10 đạt 294,6 tỷ USD, tăng 17,5%.
Theo đánh giá, với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc xuất nhập khẩu, năm nay khả năng thương mại của Việt Nam sẽ chạm mốc 800 tỷ USD, vượt xa mức kỷ lục 732 tỷ USD vào năm 2022.