Tỉnh 'sát vách' TP. HCM sẽ có dự án xa lộ hơn 5.000 tỷ đồng 'sát sườn' sân bay lớn nhất Việt Nam

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các sở ngành, địa phương, CTCP Nước môi trường Bình Dương; CTCP Cấp nước Đồng Nai về dự án xa lộ nước Long Thành.

Theo đó, dự án có diện tích hơn 12ha, điểm đầu tuyến đường ống xa lộ nước Long Thành ở sông Đồng Nai (thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) và đi qua địa bàn TP. Biên Hòa, kết thúc ở xã Long Đức, huyện Long Thành.

Đồng Nai sẽ có dự án xa lộ nước Long Thành hơn 5.000 tỷ đồng

Đồng Nai sẽ có dự án xa lộ nước Long Thành hơn 5.000 tỷ đồng

Dự án gồm các hạng mục: công trình thu, hồ chứa nước thô và nhà máy xử lý nước; các trạm bơm tăng áp và các tuyến ống chuyển tải được xây dựng theo hành lang và dưới mặt lộ các đường giao thông hiện có với tổng chiều dài gần 53km.

Các trạm bơm tăng áp với công suất hoàn thiện là 600.000m3/ngày đêm, giai đoạn 1 có công suất 150.000m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 5.200 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng do chủ đầu tư là CTCP Nước môi trường Bình Dương phụ trách, còn lại huy động từ các nguồn khác.

Thời hạn chuẩn bị dự án 2024-2027, thực hiện dự án từ 2027-2030.

Tại buổi làm việc, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh, mục tiêu của Dự án xa lộ nước Long Thành cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của các địa phương, nhất là trên địa bàn huyện Long Thành.

Nhà đầu tư nên nghiên cứu thêm nhu cầu nguồn nước lớn của các khu công nghiệp cũng như khu dân cư mới gắn với dự án sân bay Long Thành.

Được biết, Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, phía Tây giáp TP. HCM. Tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh cũ là Biên Hòa và Long Khánh. Đồng Nai cũng được xem là một cửa ngõ đi vào vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước.

Sân bay quốc tế Long Thành là sân bay lớn nhất Việt Nam với diện tích 5.000ha, chiều dài đường cất cánh lên tới 1.800m. Dự kiến, sân bay Long Thành sẽ đón được 100 triệu lượt khách và 5 triệu hàng hóa mỗi năm.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn