Tình trạng chậm thanh toán nợ trái phiếu vẫn tiếp diễn

Báo cáo với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH KN Cam Ranh cho biết theo kế hoạch, ngày 31/5/2024, công ty phải thanh toán 26 tỷ đồng tiền lãi và 10 tỷ đồng tiền gốc của lô trái phiếu KNCCH2126001. Tuy nhiên, do dòng tiền về chậm, đến ngày 3/6 vừa qua, công ty chỉ mới thanh toán được 13,2 tỷ đồng lãi trái phiếu (tương đương 50% giá trị), vì vậy công ty hiện chưa hoàn thành nghĩa vụ trả 100% lãi suất cho trái chủ.

Mới đây, Công ty TNHH Thành phố Aqua dời ngày đáo hạn cho một mã trái phiếu 600 tỷ đồng từ cuối tháng 6/2024 sang cuối tháng 6/2026.

Hay như trong tháng 5 vừa qua có một mã trái phiếu được công bố chậm trả lần đầu với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng phát hành bởi Công ty CP Kinh doanh Nhà Sunshine. Trái phiếu này có ngày đáo hạn ban đầu là 13/5/2024, đã được phần lớn trái chủ chấp thuận gia hạn thêm 24 tháng.

Trước đó, Công ty CP địa ốc Nova chậm thanh toán mã trái phiếu NVLH2232001 và NVLH2232002. Ngày phải thanh toán theo kế hoạch là 20/5/2024, số tiền phải thanh toán cả 2 mã trái phiếu này là 165 tỷ đồng.

-7900-1718874522.jpg

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 196,8 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất - khoảng 70% giá trị chậm trả.

Ngoài ra, một loạt công ty bất động sản cũng chậm thanh toán nợ trái phiếu, như: Công ty CP Đầu tư Địa ốc Phương Đông chậm thanh toán mã trái phiếu PDCCH2124001, khối lượng phát hành 900 tỷ đồng, ngày đến hạn thanh toán là 13/5/2024, số tiền lãi phải thanh toán là 53,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn chậm thanh toán lãi đối với mã trái phiếu HQNCH2120005, ngày thanh toán lãi trái phiếu theo kế hoạch là 20/5/2024 với số tiền phải thanh toán là 36 tỷ đồng...

Trong báo cáo thị trường mới công bố, Chứng khoán MB (MSB) cho biết dưới áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý II đặc biệt đè nặng lên các doanh nghiệp bất động sản (khoảng 72 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dự kiến đáo hạn). Riêng tổng số doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản chậm trả đến nay đã lên tới 111 doanh nghiệp.

Hiện tại, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 196,8 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, với khoảng 70% giá trị chậm trả.

Thống kê từ công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating cho thấy, tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 5/2024 ở mức 16,1%, tăng 1% so với cuối năm 2023. Khoảng 65% lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi đến từ nhóm ngành bất động sản dân cư. Tỷ lệ chậm trả gốc lãi của riêng nhóm ngành này là 31%.

VIS Rating ước tính khoảng 30% lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 6 có khả năng cao không trả được nợ gốc đến hạn. Trong đó, phần lớn trái phiếu đã chậm trả lãi trước đó. Trong 12 tháng tới sẽ có 216.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, 9% trong số này có rủi ro cao chậm trả nợ gốc.

Bên cạnh đó, tình hình thanh toán nghĩa vụ tài chính với trái chủ của các doanh nghiệp vẫn chưa khả quan. Theo thống kê của MSB, trong tháng 5, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 4,2 nghìn tỷ đồng, giảm 67% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 38,4 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ.

Trước áp lực trả nợ cao, nhiều doanh nghiệp tích cực đàm phán với trái chủ để xin khất nợ. VNDirect ước tính đến ngày 29/5, thị trường ghi nhận hơn 90 tổ chức phát hành đạt thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu, tổng giá trị được gia hạn là hơn 144.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số chọn giải pháp hoán đổi trái phiếu sang tài sản khác, phổ biến với các công ty địa ốc là trả bằng bất động sản. Các công ty cũng thương thảo với trái chủ để giảm lãi suất và kéo dài thêm kỳ trả lãi.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, giá trị trái phiếu đến hạn trong năm nay lên đến hơn 200.000 tỷ đồng là một con số rất lớn, khả năng trả nợ của các nhà phát hành là thấp khi tình hình thị trường và các doanh nghiệp nói chung hiện vẫn còn rất khó khăn. Đặc biệt, đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, khi thị trường vẫn chưa hồi phục, doanh nghiệp bất động sản có dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ ở mức cao và nguồn tiền để trả nợ hạn chế, có thể sẽ tiềm ẩn rủi ro về khả năng thanh toán.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn