Tỉnh ven biển được Hòa Phát đầu tư hơn 120.000 tỷ đồng: Tình hình kinh tế phát triển ra sao?
Được biết, trong số 14 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, đa số thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng trao 5 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn dự kiến 128.800 tỷ đồng. Đáng chú ý,
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Phú Yên cũng trao 5 biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư dự kiến 128.800 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tìm hiểu cơ hội đầu tư 3 dự án với tổng số vốn dự kiến 123.300 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết doanh nghiệp đã quyết định đầu tư 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên. Cụ thể, Dự án cảng Bãi Gốc, vốn đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng; Dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm, vốn đầu tư dự kiến khoảng 13.300 tỷ đồng và dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, vốn đầu tư dự kiến khoảng 86.000 tỷ đồng. Tổng quy mô đầu tư 3 dự án trên 120 nghìn tỷ.
Ông Long kỳ vọng, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động tại Phú Yên; đóng góp ngân sách mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Kinh tế Phú Yên trong những năm gần đây phát triển ra sao?
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phú Yên được biết đến là vùng đất “phú” trời “yên”, giàu tiềm năng. Thiên nhiên ban tặng cho tỉnh những lợi thế riêng có về địa kinh tế; là cầu nối gắn kết các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Với bờ biển dài 189 km cùng nhiều thắng cảnh đẹp (Gành Đá Đĩa, Đầm Cù Mông, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Vịnh Vũng Rô, Mũi Đại Lãnh), tài nguyên năng lượng và các cảng biển nước sâu kết nối thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thông qua 2 trục Quốc lộ 25 và 29 nối với Gia Lai và Đăk Lăk.
Sau 35 năm tái lập tỉnh, kinh tế của Phú Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, bình quân giai đoạn 1990-2018 đạt khoảng 9%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; lĩnh vực nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Năm 2023, Phú Yên đã vươn lên mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng vượt bậc, lọt top 10 các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế GRDP năm 2023 cao gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 9,16%, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 65 triệu đồng, tăng 13,4%; tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt trên 24.000 tỷ đồng, tăng gần 26%; khách du lịch đến Phú Yên đạt 3,2 triệu lượt khách tăng 44% so với năm 2022.
Về tình hình thu hút đầu tư, theo UBND tỉnh, năm 2023, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.769,55 tỷ đồng và điều chỉnh chủ trương đầu tư 46 dự án ngoài ngân sách. Sang đến năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 2 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 26,852 tỷ đồng và điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án ngoài ngân sách.
Về thu chi ngân sách, năm 2023, ổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 (đến ngày 31/12/2023) đạt 4.198,051 tỷ đồng, bằng 81,9% dự toán TW giao, bằng 52,5% dự toán tỉnh giao, giảm 17,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, các khoản thu nội địa đạt 4.133,159 tỷ đồng, đạt 81,5% dự toán TW giao, đạt 52% dự toán tỉnh giao, giảm 18,6% so với cùng kỳ; thu nội địa trừ thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết đạt 3.041,946 tỷ đồng, bằng 110,4% dự toán TW giao và tỉnh giao, giảm 0,54% so cùng kỳ; tổng thu tiền sử dụng đất đạt 945,629 tỷ đồng, đạt 43% dự toán TW giao, đạt 18,6% dự toán tỉnh giao, giảm 49,95% so với cùng kỳ (Khối tỉnh đạt 67,877 tỷ đồng, đạt 2,4% dự toán tỉnh giao; khối huyện đạt 877,753 tỷ đồng đạt 39,2% dự toán tỉnh giao).
Tổng chi ngân sách địa phương (đến ngày 31/12/2023) là 10.647,278 tỷ đồng, đạt 97,3% dự toán Trung ương giao, đạt 77,03% dự toán tỉnh giao; trong đó, chi thường xuyên là 5.797,525 tỷ đồng. Các lĩnh vực chi ngân sách địa phương cơ bản đều đảm bảo theo tiến độ dự toán được giao, đáp ứng được nhiệm vụ đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Theo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Phú Yên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 8,5 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 156 triệu đồng.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 34%; dịch vụ chiếm 46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm khoảng 5,0%.
Xem thêm tại cafef.vn