Tốc độ cải thiện NIM của Ngân hàng Sacombank (STB) sẽ chậm dần?

Ngân hàng Sacombank
Mặt bằng lãi suất huy động thấp đã giúp Ngân hàng Sacombank cải thiện đáng kể NIM trong 3 quý gần đây.

Kết thúc quý 3/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.752 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Động lực tăng trưởng một phần đến từ biên lãi ròng (NIM) tiếp tục được cải thiện mạnh, đạt 3,64%, trong bối cảnh Ngân hàng Sacombank duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp trong 4 quý gần nhất khiến chi phí sử dụng vốn (COF) bình quân giảm mạnh.

Tuy nhiên, theo dự báo mới đây của Chứng khoán KB Securities (KBSV), mức độ cải thiện NIM của Ngân hàng Sacombank sẽ chững lại trong quý 4/2024 và năm 2025. Điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này trong thời gian tới.

Ngân hàng Sacombank
Biến động lãi suất - NIM của Ngân hàng Sacombank giai đoạn 2019-2024. (Nguồn: Ngân hàng Sacombank, Chứng khoán KB Securities)

Cụ thể, Chứng khoán KB Securities cho rằng, Ngân hàng Sacombank vẫn còn dư địa để cải thiện chi phí sử dụng vốn khi lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp. Tính tới thời điểm hiện tại, lãi suất huy động cá nhân kỳ hạn 12 tháng của nhà băng này đang ở mức 4,9%, thấp hơn mức lãi suất huy động năm 2022 (~5.5%), là giai đoạn Ngân hàng Sacombank có mức chi phí vốn tốt nhất trong các năm trở lại đây.

Đồng thời, tăng trưởng huy động của Ngân hàng Sacombank vẫn ở mức cao, cùng tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi thuần (LDR) đạt 93%, thấp hơn trung bình ngành đạt 108%, giúp giảm áp lực về thanh khoản trong phần còn lại của năm.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này lại có tín hiệu suy giảm nhẹ cùng với rủi ro tỷ giá tiềm ẩn khi đồng USD tăng mạnh sẽ kìm hãm đà giảm chi phí sử dụng vốn của Ngân hàng Sacombank.

Bên cạnh đó, lợi suất tài sản sinh lời của Ngân hàng Sacombank sẽ khó có sự cải thiện, theo Chứng khoán KB Securities. Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp niêm yết chỉ đạt 10,1% trên nền thấp của năm 2023 cùng tỷ trọng nợ ngắn hạn tiếp tục duy trì ở mức cao cho thấy các doanh nghiệp đang có xu hướng vay ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động thay vì vay dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Giá cổ phiếu STB Ngân hàng Sacombank
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tăng trưởng tích cực, lãi ròng năm nay của Ngân hàng Sacombank (STB) ước tăng 21%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Nền kinh tế nói chung vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức để duy trì đà phục hồi và tăng trưởng. Trong bối cảnh này, hệ thống ngân hàng sẽ cần tiếp tục duy trì lãi suất cho vay thấp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế, làm hạn chế khả năng tăng lợi suất tài sản sinh lời của các ngân hàng nói chung, Ngân hàng Sacombank nói riêng.

Điểm sáng là chất lượng tài sản của Ngân hàng Sacombank vẫn tiếp tục được củng cố. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này vào cuối quý 3/2024 đạt 2,47%, chỉ tăng 9 điểm cơ bản so với quý liền trước, thuộc nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng thêm thấp nhất. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ) trong kỳ lần lượt giảm 4 và 1 điểm phần trăm so với quý liền trước, cho thấy áp lực gia tăng nợ xấu mới đang hạ nhiệt.

Chứng khoán KB Securities đánh giá những tín hiệu trên sẽ giúp Ngân hàng Sacombank giảm áp lực trích lập trong quý 4/2024, tạo dư địa nâng đỡ lợi nhuận. Trong quý 3/2024, ngân hàng này đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 1.205 tỷ đồng, tăng gần 155% so với quý 2/2024.

Dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán KB Securities dự phóng thu nhập lãi thuần cả năm nay của Ngân hàng Sacombank sẽ đạt 24.888 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 16%, đạt 8.949 tỷ đồng.

Xem thêm tại tapchicongthuong.vn