Kịp thời củng cố động lực tăng trưởng từ tổng cầu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, năm 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Tăng trưởng năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước Covid-19, trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện.
“Tổng cầu giảm cho thấy, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân… Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” - GS.TS Phạm Hồng Chương nhận định.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu khai mạc hội thảo. |
Đứng trước vấn đề trên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu, đề dẫn nêu rõ, hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2023. Đồng thời, đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu; những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân; đánh giá đóng góp của các thành tố tổng cầu đến tăng trưởng kinh tế. Từ đó, đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo cũng như các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh mới.
Trong đó, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh một số vướng mắc chính cần thảo luận, tìm hướng tháo gỡ nhanh như phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh giải ngân cho đầu tư công. Ngoài ra, đầu tư công của Việt Nam lâu nay vẫn tập trung vào hạ tầng giao thông, đặc biệt đường bộ, còn phần cho giáo dục, khoa học công nghệ còn khiêm tốn.
“Làm thế nào tháo gỡ vướng mắc về chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ, chuyển hướng đầu tư công ngoài lĩnh vực hạ tầng như hiện nay là vấn đề cần thảo luận" - theo ông Nguyễn Đức Hiển.
Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra, có tới 78,6% FDI tập trung vào 10 địa phương, vậy 53 địa phương còn lại tiếp cận FDI thế nào? FDI lại phần lớn đến từ các quốc gia có tỷ lệ công nghệ còn ở mức thấp, 78% các chính sách ưu đãi đang hỗ trợ cho các ngành công nghiệp cấp 2… Vậy chính sách ưu đãi cần điều chỉnh thế nào? Cần tư duy mới nào cho FDI?
Cùng với đó, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023 có xu hướng chững lại; tiêu dùng trong nước khiêm tốn còn tiêu dùng công vướng về nhiều mặt; tiêu dùng xanh được hô hào nhiều nhưng chính sách cụ thể chưa có…
Các đại biểu tham gia Hội thảo sáng 17/4. |
Khó khăn ở khu vực kinh tế tư nhân là rất lớn
Trình bày tóm tắt báo cáo, GS.TS Tô Trung Thành cho biết những kết quả sâu hơn về tác động của tổng cầu đối với nền kinh tế.
Theo báo cáo, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022. Trong đó, vốn thực hiện từ nguồn NSNN tăng 21,2% so với năm trước. Điều này là kết quả của sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công như một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh những nguồn lực ngoài Nhà nước khó khăn. |
Theo đó, trong năm 2023, các thành tố tổng cầu của Việt Nam đều có xu hướng tăng chậm lại. Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản lần lượt tăng 3,52% và tăng 4,09% (giảm mạnh so với mức tăng 7,09% và 5,40% năm 2022). Do đó, tăng trưởng GDP năm 2023 chủ yếu đến từ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh, với mức thâm hụt ít hơn năm trước.
Chênh lệch xuất nhập khẩu chuyển từ thâm hụt năm 2022 sang thặng dư năm 2023. Tuy nhiên, nhập khẩu suy giảm cũng cho thấy sản xuất đang rất khó khăn, đặc biệt ở chu kỳ sản xuất tiếp theo. Khi đó, tăng trưởng GDP có thể không thực sự phản ánh sức khỏe của nền kinh tế.
Trong năm 2023, tỷ trọng đầu tư khu vực Nhà nước đã tăng lên 27,85%, so với mức 25,61% năm 2022. Trong khi đó, khu vực ngoài Nhà nước có mức tăng đầu tư còn rất thấp so với các khu vực khác của nền kinh tế (chỉ tăng 3,4%), trong khi ở giai đoạn trước đại dịch, khu vực này đạt mức tăng trung bình 15% (2016-2019).
Tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước giảm từ 58,2% năm 2022 xuống còn 56,1% năm 2023. Điều này phản ánh những khó khăn vẫn còn rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân, sau khi chịu tác động nặng nề và dai dẳng từ đại dịch.
"Trong bối cảnh này, đầu tư công được xem như là động lực quan trọng, đóng vai trò bù đắp cho các động lực tăng trưởng khác. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và hiệu quả cần được chú trọng hơn là quy mô thực hiện đầu tư công" - ông Tô Trung Thành cho hay.
Đồng tình với nhiều nhận định của báo cáo, song TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cũng lưu ý chúng ta không bi quan. Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều con số cho thấy kinh tế đang phục hồi, dù không đồng đều. Nếu so thu nhập của người dân trước dịch, thì Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước có thu nhập của người dân tăng lên.
Mặc dù vậy, những yếu tố báo cáo chỉ ra như là đầu tư tư nhân suy giảm thấp nhất nhiều năm qua là “rất có vấn đề”. So với trước đây, cả đầu tư công và đầu tư tư đều đóng góp khiêm tốn cho tăng trưởng. Do đó, TS. Cấn Văn Lực đồng tình với khuyến nghị của báo cáo là phải kích cầu cả đầu tư và tiêu dùng.
Về chất lượng tăng trưởng, như báo cáo nhận xét, chất lượng tăng trưởng đang giảm sút, “rõ ràng hiệu quả đầu tư là vấn đề lớn cần quan tâm” - ông Cấn Văn Lực đánh giá.
Để vượt qua những thách thức này, Kinh tế trưởng của BIDV khuyến nghị thúc đẩy cả động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư công, tiêu dùng, xuất khẩu và những động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, cải cách thể chế... Theo TS. Cấn Văn Lực, giải pháp cho các lĩnh vực này đã được nêu rõ trong rất nhiều các nghị quyết, cơ chế, chính sách đã ban hành, vấn đề hiện nay là chất lượng thực thi./.