Tổng cầu tín dụng dự báo sẽ khả quan vào các tháng cuối năm

Tín dụng gần 6 tháng tăng 3,8%

Phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng về đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 vào ngày 19/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, Thủ tướng yêu cầu tăng trưởng tín dụng đến hết quý 2/2024 đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16% theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.

Từ nay đến cuối năm, với những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, NHNN dự kiến tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan.

Vì thế, theo Thống đốc, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến việc chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng, đặc biệt nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn.

Cùng với đó, tăng cường truyền thông, hội nghị kết nối, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.

Theo báo cáo của NHNN, tính đến 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.

Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.

NHNN nhận định, điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

Chia sẻ về kết quả tín dụng của ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, tính đến ngày 17/6, tín dụng của Vietcombank tăng 2,4 % so với đầu năm. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngân hàng, bởi có thời điểm tăng trưởng âm do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Thời gian qua, Viecombank đã có nhiều biện pháp thúc đẩy tín dụng như cải tiến quy trình cấp tín dụng, áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng giải ngân trực tuyến…

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, dự kiến đến 30/6 tín dụng tăng trưởng của ngân hàng đạt gần 3% so với đầu năm.

Ông Vượng cũng đã chỉ ra nhiều khó khăn trong tăng trưởng tín dụng, như nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn như bất động sản, tiêu dùng bán lẻ; cơ chế chính sách dù đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ nhưng việc thực hiện ở dưới cơ sở chưa đồng bộ, nhất là những thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển nhượng; nền kinh tế thế giới vẫn đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến động chính trị, lạm phát...

Vì thế, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Agribank sẽ tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, với nhiều ngành chủ lực như lúa gạo, phân bón... cùng với đó là tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo; đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thị trường về nhà ở khu công nghiệp...

Hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống

Cùng với những giải pháp từ ngân hàng, đại diện các ngân hàng khác cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng không phải tùy thuộc vào ý chí chủ quan của ngành ngân hàng, mà phụ thuộc lớn vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ngoài ra, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, dù NHNN đã cấp toàn bộ hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho các ngân hàng từ đầu năm, song tốc độ tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng có sự khác nhau. Vì vậy, Thống đốc đề nghị các ngân hàng bàn bạc tới câu chuyện điều phối room tín dụng nếu có vướng mắc, hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.

Tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN làm việc ngay với các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế…

NHNN cho biết trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ.

"Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế. NHNN cũng sẽ điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân", NHNN nêu rõ.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn