Tổng Công ty Viglacera (VGC): Lãi quý 4 ước tăng 46 lần, sắp trình phương án thoái vốn nhà nước

Tổng Công ty Viglacera
Sau 50 năm phát triển, Tổng Công ty Viglacera đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, phát triển bất động sản công nghiệp và dân dụng.

Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của ngành xây dựng. Theo báo cáo, doanh thu từ các tổng công ty mà Bộ Xây dựng đang sở hữu vốn ước đạt 52.285 tỷ đồng, tương đương 97,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận toàn ngành ước đạt 25 tỷ đồng, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra khi kế hoạch ban đầu là dự kiến lỗ 4,43 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng Công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC - sàn HoSE) ước lãi trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 35% so với kế hoạch cả năm. Theo báo cáo tài chính quý 3/2024, luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng công ty này ghi nhận 8.185 tỷ đồng doanh thu và 909 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 19,5% và 43% so với cùng kỳ năm 2023.

Như vậy, tính riêng trong quý 4/2024, Tổng Công ty Viglacera ghi nhận tới 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao gấp 46 lần so cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 quý gần đây của tổng công ty này.

Xuất phát điểm là doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ngói và sành sứ, sau 50 năm phát triển, Tổng Công ty Viglacera đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, phát triển bất động sản công nghiệp và dân dụng.

Trong đó, Tổng Công ty Viglacera đang là doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng lớn nhất Việt Nam với quy mô 94,9 triệu m2/năm và chiếm khoảng 42% thị phần kính tiêu thụ tại Việt Nam. Tổng công ty cũng đang triển khai các kế hoạch mở rộng công suất mảng gạch ốp lát nhằm gia tăng thị phần.

Đối với lĩnh vực khu công nghiệp, Tổng Công ty Viglacera đang sở hữu và vận hành 15 khu công nghiệp trên cả nước với tổng diện tích khoảng 4.600 ha, trở thành một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất cả nước.

Giá cổ phiếu VGC Tổng Công ty Viglacera
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Khu công nghiệp 288 ha của Tổng Công ty Viglacera (VGC) được duyệt quy hoạch" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Các khu công nghiệp của tổng công ty đa số nằm tại các khu vực kinh tế trọng điểm miền Bắc, như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh… Ước tính phần diện tích đất công nghiệp thương phẩm còn lại của Tổng Công ty Viglacera là khoảng 1.139 ha.

Trong bối cảnh mảng vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản trầm lắng, mảng bất động sản công nghiệp đã trở thành trụ đỡ cho kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Viglacera.

Tổng Công ty Viglacera cho biết, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng gia tăng, tổng công ty vẫn tiếp tục chủ trương mở rộng quỹ đất. Hướng tới năm 2025, tổng công ty đặt mục tiêu nâng tổng số khu công nghiệp lên con số 20, với khoảng 2.000 - 3.000 ha diện tích đất mới được bổ sung.

Xét về cơ cấu cổ đông, hai cổ đông lớn nhất hiện nay của Tổng Công ty Viglacera là Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex - công ty con của Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX) và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50,21% và 38,58%. Bộ Xây dựng hiện đang triển khai kế hoạch thoái vốn nhà nước và Tổng Công ty Viglacera dự kiến sẽ trình phương án thoái vốn trong quý 1/2025.

Xem thêm tại tapchicongthuong.vn