Tổng Giám đốc Chứng khoán FPT: "Chắc chắn kết quả kinh doanh quý 1 không tốt, FPTS sẽ không tham gia vào cuộc đua zero-fee"
Ngày 28/3, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, mã chứng khoán: FTS) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Cổ đông FPTS đã thống nhất thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu ở mức 770 tỷ đồng, tương ứng giảm 27% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 420 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Cổ đông cũng thông qua phương án tăng vốn bằng việc phát hành 19,5 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 10:1, đồng nghĩa cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ phiếu được nhận về thêm 10 cổ phiếu mới.
Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2/2023. Nếu thành công, FPTS sẽ tăng vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, FPTS sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt 5% (500 đồng/cp), tương đương khoảng 97 tỷ đồng sẽ được chi ra để thanh toán cổ tức cho cổ đông.
Về mặt nhân sự, ĐHĐCĐ lần này đã bầu là HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm ông Nguyễn Điệp Tùng, ông Nguyễn Văn Dũng, ông Đỗ Sơn Giang, ông Taro Ueno, ông Trần Thanh Tùng.
Đáng chú ý, trả lời cổ đông trong phần thảo luận với cổ đông, trước câu hỏi liên quan tới kết quả kinh doanh quý 1/2023 của FPTS, ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng Giám đốc Chứng khoán FPT cho biết hiện vẫn chưa có kết quả cụ thể, song những con số của 2 tháng đầu năm đã có và kết quả kinh doanh của Công ty đang phụ thuộc cùng chiều với tình hình thị trường. Mức thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh thì tương tự kết quả kinh doanh của FPTS cũng giảm tương ứng.
Ngoài ra, quý 1 còn có thời gian nghỉ dài trước, trong và sau Tết nên việc giao dịch sẽ kém sôi động hơn. "Căn cứ vào đó, dự kiến kết quả kinh doanh quý 1/2023 chắc chắn sẽ không tốt", ông Tùng cho biết.
Về kế hoạch cạnh tranh của FPTS trong bối cảnh các công ty chứng khoán nhỏ giành thị phần bằng việc miễn phí giao dịch (zero-fee), ông Tùng đánh giá việc cạnh tranh thị phần sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong bối cảnh thị trường đang giảm mạnh cả điểm số và thanh khoản, số lượng các công ty chứng khoán giữ nguyên. Cộng thêm là các công ty chứng khoán nhỏ tham gia vào cuộc cạnh tranh thị phần bằng cách giảm phí và miễn phí thì đương nhiên các công ty chứng khoán lớn hơn cũng phải có những hành động để giữ vững thị phần của mình.
Song, vị Tổng Giám đốc khẳng định, với FPTS, không hành động gì sẽ mất thị phần nhưng cũng không thể tham gia cuộc đua miễn phí. Bởi vì, về lâu dài không thể có bất kỳ công ty nào hoạt động mà không có lợi nhuận. Như vậy, sẽ không duy trì được hệ thống công nghệ lớn với nhiều tiện ích; không thể phát triển những sản phẩm dịch vụ mới phục vụ nhà đầu tư theo kịp sự phát triển của thị trường. Do vậy, tất cả các công ty chứng khoán lớn không thể tham gia vào cuộc đua zero-fee mà phải cạnh tranh bằng sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn.
Ví dụ, việc xây dựng hệ thống công nghệ mới với nhiều tiện ích để phục vụ giao dịch của nhiều nhà đầu tư hơn, xây dựng đội ngũ tư vấn; nâng cao chất lượng tư vấn và chất lượng dịch vụ. Ông Tùng một lần nữa khẳng định: “Đây là con đường của các công ty chứng khoán lớn buộc phải làm. FPTS sẽ không tham gia vào cuộc đua zero-fee. Đó là điều chắc chắn”.
Về tình hình mở tài khoản từ đầu năm đến nay, vị Tổng Giám đốc cho biết diễn biến đang tương tự như kết quả kinh doanh của công ty. Không chỉ số lượng mở tài khoản tại FPTS, mà tất cả số lượng mở tài khoản tại các công ty chứng khoán đều suy giảm theo thị trường. Ngay cả các nhà đầu tư cũ cũng đang đứng ngoài thị trường khá nhiều, số lượng các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường rất thấp.
Xem thêm tại cafef.vn