Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng Lê Hoàng Khánh Nhựt: Lửa luôn cháy trên hành trình chinh phục mọi nẻo đường
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng Lê Hoàng Khánh Nhựt |
Lửa vẫn cháy giữa muôn trùng gian khó
Trong ký ức thế hệ cán bộ đầu tiên của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), Đà Nẵng cuối năm 1975 là những trận mưa kéo dài và lạnh.
Khu nhà xưởng cũ kỹ mà đoàn cán bộ hơn chục người do Tổng cục Hóa chất cắt cử vào tiếp quản oằn mình trong gió rét. Thiết bị hỏng hóc nằm lạnh lẽo. Đây là cơ sở đắp vỏ xe do chế độ cũ để lại, đang phục hồi dở dang sau những hư hại nặng nề của vụ hỏa hoạn năm 1973.
Mong chờ về một nhà máy hiện đại tan biến, nhường chỗ cho những khó khăn, không tiền, thiếu thợ, nguyên liệu hạn chế, khuôn đắp lốp hỏng hóc… Một số người rút lui. Nhưng nhiều người đã quyết tâm ở lại. Họ xoay xở, gom góp, vay mượn tiền, bắt tay sửa chữa máy móc, mua chịu cao su bán thành phẩm, làm việc không màng ngày nghỉ.
Như đống lửa cháy suốt ngày đêm được nhóm lên giữa khu nhà xưởng cũ để sưởi ấm, ngọn lửa của lòng nhiệt thành và trí tuệ đã giúp những con người ngày ấy vượt gian khó, kịp đưa nhà máy vào hoạt động ngay đầu năm sau.
Sau chỉ 7 ngày từ thời điểm chính thức nhận bàn giao từ Quân khu 5 (25/12/1975), hơn 50 chiếc lốp đắp ô tô đầu tiên đã ra đời, đánh dấu thành quả của sự khởi đầu nhiều gian khó, nhưng tràn đầy hy vọng của DRC.
Nhìn lại, những người DRC vẫn nói, chặng đường gần nửa thế kỷ DRC đã đi qua phản chiếu một phần của lịch sử kinh tế đất nước thời kỳ sau giải phóng, xây dựng, phát triển đất nước. Không ít sóng gió và rất nhiều lần đổi thay, nhưng cuối cùng là những thành quả của sự quả cảm.
Giai đoạn 1991- 1995, khi đất nước xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hoạt động của Công ty rơi vào tình cảnh khó khăn. Thị phần săm lốp bị thu hẹp, xuất và tiêu thụ đều giảm sút, trong khi dự án lốp ô tô mới đầu tư chưa phát huy hiệu quả, chưa được người tiêu dùng chấp nhận.
Tới giai đoạn 2003-2004, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo yêu cầu của Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) dù tham gia từ năm 1998, giá nguyên liệu đầu vào biến động tiêu cực, sức ép cạnh tranh gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước như DRC gặp khó ngay tại sân nhà.
Nhưng cũng như đất nước sau 50 năm giải phóng mang vị thế, tâm thế của những con người sẵn sàng bước lên những nấc thang cao hơn của hành trình đi đến thịnh vượng, DRC đã vượt lên từng ngày, với quy mô ngày càng được mở rộng; bước đi hai chân, trên tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình, để hôm nay sẽ là nền tảng cho sự phát triển vững vàng của ngày mai.
Cốt lõi ở chất lượng sản phẩm
Từ một nhà máy chỉ có khuôn đắp lốp đơn điệu 5 quy cách, trong năm thứ 50 của hành trình phát triển, DRC đã có một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng. Từ lốp đắp ở nhiều quy cách khác nhau đến các mặt hàng ống, rồi lần lượt nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có tính chất kỹ thuật ngày càng phức tạp hơn như săm lốp xe đạp, lốp ô tô Bias (sợi mành nylon), lốp ô tô siêu tải nặng (OTR), lốp Radial (sợi mành thép)... Đặc biệt, với sản phẩm lốp OTR phục vụ các ngành khai thác mỏ, cảng biển và máy kéo cỡ lớn trong ngành nông lâm nghiệp, DRC là doanh nghiệp đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á sản xuất thành công để thay thế hàng nhập khẩu. DRC cũng là nơi đã cho ra đời những chiếc lốp ô tô Radial đầu tiên tại Việt Nam giữa năm 2013.
Năng lực sản xuất cũng gia tăng mạnh mẽ. Trong năm đầu tiên sản xuất (1976), Nhà máy Cao su Đà Nẵng đã sản xuất hơn 11.700 lốp đắp ô tô, vượt kế hoạch nhà nước giao; nhưng giờ con số này tăng gấp cả nghìn lần. Đã có đến chục triệu đơn vị sản phẩm ở đa dạng các mặt hàng săm lốp xe đạp, xe máy, ô tô… mang nhãn hiệu DRC được tiêu thụ. DRC đã xuất khẩu sản phẩm sang hơn 50 quốc gia, chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Ở thời điểm hiện tại, Nhà máy lốp ô tô Radial giai đoạn III của DRC đã hoàn thành, đi vào sản xuất trước 6 tháng so với tiến độ dự kiến. Việc tăng gần gấp đôi công suất, từ 600.000 lốp/năm lên 1 triệu lốp/năm, trong khi vốn đầu tư chỉ bằng khoảng 1/3 của 2 giai đoạn trước, sẽ đem lại hiệu quả về mặt chi phí. Tổng giám đốc DRC, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt kỳ vọng, khi dự án đi vào hoạt động và được khai thác hết công suất, thì chi phí sản xuất sản phẩm sẽ tiết kiệm hơn, nâng cao tỷ suất lợi nhuận cho DRC.
Theo ông Nhựt, trong gần 50 năm hình thành và phát triển, mục tiêu xuyên suốt được DRC xác định là chất lượng sản phẩm. Bởi đối với nhà sản xuất, điều cốt lõi khiến sản phẩm được người tiêu dùng tin yêu là chất lượng.
“Để đảm bảo được điều này, DRC không ngừng đầu tư vào công nghệ, liên tục lựa chọn và hợp tác với các chuyên gia hàng đầu đến từ các quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất lốp xe, cập nhật đầu tư hệ thống thiết bị tiên tiến để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công nghệ. Đó cũng là lý do sản phẩm DRC vượt qua hầu hết các hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của các quốc gia”, ông Nhựt chia sẻ.
Niềm tự hào Made in Việt Nam
Trong bản cáo bạch gửi các nhà đầu tư năm 2006, trước thềm cổ phiếu DRC chào sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE), doanh nghiệp săm lốp này thẳng thắn nhìn nhận điểm yếu lớn. Đó là khả năng cạnh tranh “còn rất hạn chế” trên thị trường xuất khẩu. Còn hiện tại, số liệu cho thấy, mỗi 100 đồng doanh thu DRC thu được, có hơn 65 đồng từ xuất khẩu, trong đó hơn 50 đồng từ thị trường châu Mỹ.
Khó có nhà đầu tư nào của 20 năm trước dám tin DRC có thể tiến xa đến vậy. Thành quả của DRC cũng không chỉ thể hiện ở những con số.
Gần nhất, ở lần thứ hai xuất hiện tại SEMA Show - một trong những triển lãm chuyên ngành ô tô lớn nhất thế giới được tổ chức tại Las Vegas (Mỹ) hồi đầu tháng 11/2024, gian hàng của DRC tiếp tục thu hút sự chú ý, nhiều khách hàng lớn đặt vấn đề hợp tác với DRC tại triển lãm này.
Trong năm 2025, DRC dự kiến ra mắt DriveForce - thương hiệu lốp xe ô tô du lịch/xe ô tô con tại thị trường nội địa, sau khi xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Mỹ, Brazil. Đây cũng là dòng sản phẩm chiến lược được DRC giới thiệu tại SEMA Show. Từ những nền tảng ban đầu trên, DRC tự tin ngang hàng với các thương hiệu quốc tế khi quay lại sân nhà ở phân khúc sản phẩm đang rất cạnh tranh này.
Cùng đó, ở thị trường nội địa, các năm qua, DRC từng thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn và trở thành nhà cung cấp uy tín cho các thương hiệu như Thaco, Chiến Thắng… DRC cũng đang tích cực làm việc để bắt tay hợp tác với hãng sản xuất ô tô lớn trong nước chuẩn bị thị trường cho dòng sản phẩm DriveForce.
Những chiếc lốp xe mang niềm tự hào “Made in Việt Nam” của DRC đang từng bước chinh phục mọi nẻo đường và tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ ngành săm lốp toàn cầu, đồng hành cùng “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”...
Khi tiếp cận thị trường Mỹ, mức giá chúng tôi đưa ra phù hợp với sản phẩm của mình, không lựa chọn cách hạ giá sâu sản phẩm để cạnh tranh. Tại Mỹ, cách thức áp thuế rất công bằng. Các sản phẩm dù cùng xuất xứ từ Việt Nam có thể bị áp mức thuế suất khác nhau với từng doanh nghiệp.
Dù rủi ro là có, nhưng tôi tin tưởng và không quá quan ngại, vì ngay từ đầu, DRC vào thị trường Mỹ với quan niệm phải chiến đấu đúng với giá trị của mình.
DRC là doanh nghiệp miền Trung đầu tiên nhận Giải thưởng Top 10 Sao Vàng đất Việt. Điều này có ý nghĩa như thế nào, nhất là khi DRC ghi danh ở giải thưởng lớn này ngay trước thềm bước sang năm mới 2025?
Được vinh danh Top 10 Sao Vàng đất Việt năm 2024 là một vinh dự rất lớn và cũng ghi nhận sự nỗ lực kiên trì của tập thể cán bộ, công nhân viên nói chung và các lãnh đạo DRC nói riêng. Đây cũng sẽ là trách nhiệm rất lớn để thương hiệu DRC ngày càng uy tín và được người tiêu dụng tin tưởng và đánh giá cao.
Năm 2025 là năm cộng hưởng rất nhiều sự kiện, nửa thế kỷ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nửa thế kỷ giải phóng TP. Đà Nẵng và cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập của DRC.
Tất cả những điều này rất có ý nghĩa đối với DRC, là động lực cho chúng tôi vững vàng tiến về phía trước.
Xem thêm tại baodautu.vn