Tổng Giám đốc CSV: Dự kiến hoàn tất di dời nhà máy hóa chất về Nhơn Trạch đến cuối 2029
Sáng 23/4, Hóa chất Cơ bản Miền Nam (Mã: CSV) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án chia cổ tức, phát hành 66,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn và các nội dung quan trọng khác.
Hoạt động kinh doanh hóa chất gặp nhiều khó khăn
Ban lãnh đạo trình kế hoạch doanh thu hợp nhất hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm trước. Lãi trước thuế dự kiến giảm 10% về 261 tỷ đồng. Tỷ lệ chưa cổ tức năm 2024 dự kiến 10% (năm 2023 đạt 25% bằng tiền).
Theo ông Lê Thanh Bình, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc, cơ sở cho các chỉ tiêu trên dựa vào dự báo của công ty. Năm 2024 còn những yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh, có khả năng quỹ lương của người lao động sẽ giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị vẫn diễn ra phức tạp, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và lạm phát gia tăng… khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất. Dự báo giá hóa chất có thể giảm trong thời gian tới. Chiều ngược lại, xuất khẩu chịu trạnh tranh từ mặt hàng cùng chủng loại của Trung Quốc.
Giá bán các sản phẩm NaOH, HCl (thuộc các sản phẩm chính) tiếp tục giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch. Ngoài ra, các sản phẩm như H3PO4, H2SO4 cũng chịu sự cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Các ngành sản xuất khác như thép, chitin… chưa có dấu hiệu hồi phục, còn nhu cầu tiêu dùng giảm cũng khiến các ngành hóa mỹ phẩm và hóa chất khác phải giảm sản xuất.
Tuy vậy, ông Bình cho biết vẫn có những yếu tố thuận lợi. Nguồn cung nguyên vật liệu như muối, lưu huỳnh đang duy trì ổn định, chính sách bán hàng phù hợp, lượng tồn kho hợp lý.
Năm nay công ty sẽ tập trung triển khai dự án Nhà máy Hóa chất Nhơn Trạch, sớm di dời các cơ sở sản xuất tại KCN Biên Hòa 1 sang địa điểm mới (sang Nhơn Trạch). Về sản xuất kinh doanh, công ty muốn đẩy mạnh tiêu thụ HCl, điều chỉnh giá bán xút (NaOH) phù hợp, tăng tiêu thụ cho Tập đoàn TKV và các đối tác. Cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới.
Phát hành hơn 66 triệu cp thưởng để tăng vốn
Ban lãnh đạo cho biết đã nhận được chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Vinachem. Theo đó, CSV có kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu trong năm 2024.
Cổ phiếu phát hành để tăng vốn điều lệ lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu, bao gồm: Quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và một phần quỹ đầu tư phát triển.
Số lượng dự kiến phát hành là 66,3 triệu cp. Khi hoàn tất, vốn điều lệ công ty tăng từ 442 tỷ đồng lên 1.105 tỷ đồng (tăng 150%).
Thảo luận (Tổng Giám đốc Lê Thanh Bình thay mặt ban lãnh đạo trả lời hầu hết câu hỏi)
Dự án di dời nhà máy sang Nhơn Trạch, công ty có kế hoạch gì để duy trì hoạt động kinh doanh?
Sẽ thực hiện di dời từng bước một, chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, khi nhà máy đi vào hoạt động rồi công ty sẽ tiếp tục di dời lần lượt các khối lượng kế tiếp (tổng cộng dự kiến 3 lần). Trong quá trình di dời thì nhà máy mới đã hoạt động, đảm bảo sản xuất kinh doanh của công ty vẫn liên tục, ổn định. Chỉ có làm vậy mới có nguồn tiền phục vụ cho nhà máy mới, đảm bảo hiệu quả.
Để giảm giá nguyên vật liệu, tăng tính cạnh tranh, công ty có dự định thay đổi gì về công nghệ hay tìm nhà cung cấp mới hay không?
Hiện công nghệ sản xuất xút (NaOH) của công ty đã là mới nhất, chưa có công nghệ nào thay thế. Khi nhà máy mới hoạt động ổn định, căn cứ thị trường công ty sẽ xem xét mở rộng, nâng công suất lên.
CSV có dự định thoái vốn khỏi công ty con Phốt Pho Việt Nam trong thời gian tới?
Công ty con đang hoạt động thuận lợi, nên CSV chưa có ý định thoái vốn. Cổ tức từ đơn vị vẫn đáng kể. Nguồn tiền CSV cần để phục vụ dự án đã đủ.
Thời gian dự án Nhơn Trạch đi vào hoạt động? Dự án đang gặp vướng mắc quy hoạch như thế nào?
Theo dự tính với bên tư vấn, thời gian hoàn tất di dời 3 nhà máy về KCN Nhơn Trạch đến cuối năm 2029. Kế hoạch đã báo cáo với UBND tỉnh Đồng Nai.
Từ 2016, công ty đã xác định bắt buộc sẽ di dời, do nếu duy trì tại KCN Biên Hòa 1 công ty sẽ không có cơ hội mở rộng, phát triển, vì tỉnh không cho phép. Năm 2016 công ty đã tìm được mảnh đất phù hợp tại KCN Nhơn Trạch 6.
Trong quá trình, thủ tục không vướng mắc gì cả. Tuy nhiên khi bắt tay vào làm quy hoạch 1/500 thì mới phát sinh vướng mắc, điều này đến từ lỗi của phía sở ban ngành tỉnh và huyện Nhơn Trạch không thống nhất, cập nhật quy hoạch mới.
Sau thời gian làm việc với các sở ban ngành tỉnh, chủ tịch tỉnh cũng đã có công văn gửi các sở ban ngành về ý kiến đề xuất của CSV lên, theo đó nếu trong thời hạn không phản hồi thì xem như đồng ý với phương án đó. Theo tôi, vấn đề này sẽ sớm được giải quyết.
Chia sẻ thêm về phương án sử dụng vốn về phương án phát hành 66 triệu cổ phiếu?
Công ty có dự án rất lớn là di dời nhà máy về Nhơn Trạch, vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Công ty sẽ phải vay tiền nhưng cần có phần vốn đối ứng, tối thiểu 30%, tức khoảng hơn 600 tỷ đồng. Nếu công ty có càng nhiều vốn tự có thì tính hiệu quả sẽ tốt hơn, chủ động hơn. Vốn tăng lên sẽ dùng toàn bộ cho dự án di dời. Tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại vẫn tốt, vốn vẫn đủ, chỉ có phát sinh nhu cầu vốn cho dự án.
Sau khi di dời nhà máy, dự kiến công ty sẽ được đền bù. Số tiền này dự kiến là bao nhiêu?
Theo đề án của UBND tỉnh, số tiền dự kiến đền bù cho các doanh nghiệp (bao gồm CSV) khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo sơ bộ tự công ty tính toán, CSV được đền bù 100 - 200 tỷ đồng, quá ít. Lãnh đạo sẽ làm việc với UBND tỉnh vấn đề này. Bởi vì trong KCN, chỉ riêng nhà máy của CSV có đặc thù công nghệ phức tạp, nếu đền bù vậy không đủ chi phí để di dời. Bắt buộc phải có khoản đền bù này mới có hiệu quả.
Vì sao kế hoạch kinh doanh năm 2024 của công ty thận trọng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đang thuận lợi?
Trong quá trình thực hiện, tùy tình hình công ty có thể sẽ điều chỉnh chỉ tiêu. Nếu giá lên, công ty sẽ điều chỉnh để tối đa hóa lợi nhuận, chia cổ tức cao cho cổ đông. Thị trường bây giờ biến động hàng ngày, rất khó lường.
Các sản phẩm hóa chất của CSV có tính cạnh tranh như thế nào với Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC)?
Với Hóa chất Đức Giang, sản phẩm duy nhất cạnh tranh với công ty là H2SO4, phốt pho vàng thì ở cấp công ty con. Sản phẩm phốt pho vàng nhìn chung là có mặt bằng giá chung, không ai dám phá giá cả. Với H2SO4, CSV hướng đến chất lượng cao dành cho khách hàng cần chất lượng cao. Do đó, các sản phẩm cấp công nghiệp của Đức Giang nhìn chung sự cạnh tranh giữa 2 bên không lớn.
Cuộc họp kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua. Kết quả bỏ phiếu, ông Lê Thanh Bình, và Lê Thị Ngọc Diệp, ông Lê Phương Đông, ông Vũ Minh Ngọc, ông Nguyễn Hữu Tú trúng cử vào thành viên HĐQT; bà Nguyễn Thị Minh Hòa, bà Đỗ Thị Thoa, ông Nguyễn Minh Trí trúng cử vào thành viên BKS nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Xem thêm tại vietnambiz.vn