Tổng tài sản của VinFast dù nhỏ hơn Vingroup, Vinhomes, Hoà Phát, Masan… nhưng giá trị vốn hóa vượt trội, chỉ kém Vietcombank
Hãng xe điện VinFast, đơn vị thành viên của Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố BCTC quý 4/2023. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2023 tổng tài sản của VinFast đạt mức 130.900 tỷ đồng, giảm 15% so với số đầu năm.
Nếu so với các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam (không tính các tổ chức tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán), tài sản VinFast đứng thứ 6, xếp sau 5 doanh nghiệp gồm Vingroup, Vinhomes, Novaland, Hòa Phát và Masan Group.
Hiện tại, hai thành viên khác thuộc "họ Vin" đang dẫn đầu về lượng tài sản đang nắm giữ trên sàn chứng khoán Việt. Cụ thể, Vingroup đang là doanh nghiệp có tài sản lớn nhất, lên tới gần 669.000 tỷ đồng và Vinhomes có tài sản đạt hơn 447.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vốn hóa của VinFast lại "vượt trội" so với các doanh nghiệp kể trên. Giá cổ phiếu VFS hiện ở mức khoảng 5,3 USD/cp, tức khoảng 130.000 đồng/cp. Như vậy, vốn hóa của VinFast ở mức hơn 290.000 tỷ đồng.
Thậm chí, nếu so sánh với cả các ngân hàng thì vốn hóa của VinFast tại Việt Nam chỉ thua kém mỗi Vietcombank. Những ngân hàng như VPBank, BIDV, Vietinbank... chắc chắn là có tài sản "vượt trội" hãng xe điện này những vốn hóa cũng không lớn bằng.
Xét đến cơ cấu tài sản của VinFast, chiếm hơn một nửa tài sản cố định dài hạn gồm nhà xưởng, máy móc và thiết bị ở mức 67.916 tỷ đồng. Chiếm vị trí lớn thứ hai là lượng hàng tồn kho, đạt 28.662 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ so với đầu năm. Nguồn vốn của doanh nghiệp chủ yếu được tài trợ bởi nợ vay.
Lũy kế cả năm 2023, tập đoàn mang về 28.596 tỷ đồng doanh thu (khoảng 1,2 tỷ USD), tăng 91% so với năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lỗ gộp ròng hơn 57.175 tỷ đồng năm qua (khoảng 2,3 tỷ USD). Trong năm 2023, VinFast đã bàn giao tổng cộng 34.855 xe ô tô điện tăng 48% so với năm trước và bán thêm 72.468 xe máy điện.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Tài chính VinFast, khẳng định: "Quý IV/2023, VinFast đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng và biên lợi nhuận cải thiện đáng kể. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc nâng cao hiệu suất đầu tư và củng cố bảng cân đối kế toán thông qua việc tiếp tục tối ưu chi phí sản xuất, chi phí BOM (định mức nguyên vật liệu để cấu thành nên sản phẩm) và chi phí vốn đầu tư (Capex) trên toàn cầu. Đây sẽ là trợ lực quan trọng cho VinFast trong quá trình mở rộng thị trường, đặc biệt là những thị trường tiềm năng như Indonesia và Ấn Độ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh số một cách mạnh mẽ."
Trong năm tài chính 2024, VinFast đặt mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng doanh thu và tối ưu hóa chi phí, dựa trên nền tảng tối ưu hóa chi phí sản xuất và vật liệu, đồng thời đầu tư chiến lược vào các thị trường tiềm năng trong khu vực.
Để thúc đẩy doanh số xe điện, VinFast sẽ mở rộng các kênh phân phối bằng cách tận dụng mạng lưới và kinh nghiệm của các đại lý tại từng thị trường. Thành công tại các thị trường trọng điểm như Mỹ sẽ củng cố khả năng cạnh tranh hiệu quả của Ccng ty tại các thị trường khác để tăng quy mô doanh số, đặc biệt là các thị trường châu Á chưa được khai thác và có tiềm năng lớn. Bên cạnh đó, VinFast còn đặt mục tiêu bàn giao 100.000 xe trong năm 2024 nhờ mạng lưới phân phối ngày càng mở rộng.
Xem thêm tại cafef.vn