Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Các tân binh nổi sóng

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 26,8 điểm (+2,32%), 1.181,50 điểm. Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt hơn 70.340 tỷ đồng, giảm 28,4% so với tuần trước.

Chỉ số HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,36%), xuống 229,48 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX đạt hơn 5.839,91 tỷ đồng giảm hơn 35,8% so với tuần trước đó.

Trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như: Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Luật Đất đai (sửa đổi) với rất nhiều nội dung mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, ngoại trừ Điều 190 và Điều 248 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024 và Khoản 9 Điều 60 có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 hết hiệu lực thi hành.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trừ Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Tuần qua, nhóm cố phiếu trụ cột ngân hàng thêm một tuần tăng tốt, nhờ ảnh hưởng tích cực từ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao từ đầu năm và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua, thanh khoản nhóm này cũng đã tăng đột biến và tập trung vào nhóm ngân hàng lớn và các ngân hàng có kết quả kinh doanh quý IV/2023 tăng trưởng mạnh, như BID (+8,37%), LPB (+4,82%), VCB (+4,40%), CTG (+3,49%), MBB (+3,28%)...

Các cổ phiếu công ty chứng khoán phân hóa với TVB (+14,9%), BSI (+10,11%), DSC (+6,77%), FTS (+2,5%)...

Các cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp cũng có diễn biến khá nổi bật trong tuần khi Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua khi đa số tăng điểm khá tốt như NLG (+7,14%), SZC (+6,41%), NDN (+6,12%), TIP (+5,31%), KDH (+5,02%)...

Trên sàn HOSE, cổ phiếu tân binh HNA của CTCP Thủy điện Hủa Na dù bị chốt lời trong phiên cuối tuần và giảm sàn, nhưng với bốn phiên tăng mạnh từ đầu tuần, trong đó có ba phiên tăng trần đã giúp mã này trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất.

Hai cổ phiếu HBC và TVB đều có hai phiên cuối tuần tăng hết biên độ, sau khi nhận được quyết định của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang kiểm soát kể từ ngày 19/1. Như vậy, hai cổ phiếu này sẽ được giao dịch toàn thời gian trong các phiên.

Đáng chú ý khác là sự hồi phục đáng ghi nhận của bluechip MWG, sau khi có thông tin chào bán riêng lẻ từ 5-10% tổng số cổ phần của Bách Hóa Xanh.

Giá chào bán hiện chưa được tiết lộ. Trước đó vào cuối tháng 9/2023, Reuters đưa tin rằng định giá chuỗi Bách Hóa Xanh vào khoảng 1,5-1,7 tỷ USD nhưng sau đó bị đại diện MWG đã bác bỏ.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FIR có thêm một tuần giảm sâu, sau khi tuần trước lao dốc gần 20% và tuần trước nữa đánh rơi gần 13%.

Liên quan đến FIR, mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định xử phạt hai cá nhân tổng cộng 3 tỷ đồng do thao túng giá cổ phiếu FIR và cấm giao dịch chứng khoán trong thời hạn 2 năm.

Bên cạnh đó là gần 20 cá nhân khác bị cấm giao dịch chứng khoán thời gian dài do cho mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng giá cổ phiếu FIR.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất tuần này ít có diễn biến đáng chú ý nào đáng kể khi đa phần giao dịch ảm đạm với thanh khoản thấp.

Trên UpCoM, tân binh NEM của CTCP Thiết bị điện miền Bắc với phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 15/1 đã liên tiếp có cả 5 phiên đều tăng kịch trần. Tuy vậy, thanh khoản lại là vấn đề khi chỉ 300-400 đơn vị khớp lệnh/phiên.

Một tân binh khác là AAH có thêm một tuần tăng mạnh, nhưng thanh khoản trồi sụt, có phiên khớp hơn 1 triệu đơn vị, nhưng có phiên chỉ vài chục nghìn cổ phiếu được sang tay.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn