Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhiều mã nhỏ vẫn chịu sức ép bán mạnh

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 5,51 điểm (-0,44%), xuống 1.236,6 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 5,1 điểm (-2,15%), xuống 231,56 điểm.

Thanh khoản trên cả 2 sàn có cải thiện hơn so với tuần giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh tăng 8,95% trên sàn HOSE và gần 19% trên sàn HNX.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng khi phản ứng trước căng thẳng Trung Đông giữa Iran và Israel, nhưng mức tăng cũng chỉ ở mức khiêm tốn trước áp lực bán chung trên toàn thị trường, với BSR (+1,82%), PVC (+0,72%), OIL (+2,76%)...

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng có nỗ lực sau tuần giảm trước đó, nhưng mức tăng cũng không quá cao VPB (+1,9%), TCB (+3,3%), SSB (+2,96%), NAB (+5,9%), BID (+3,24%), VCB (+1,6%)...

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu ngành viễn thông giảm mạnh với VGI (-11,69%), ABC (-4,48%), MFS (-6,67%), TTN (-6,59%)...

Các cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán tuy có phiên cuối tuần phục hồi nhưng tổng kết tuần trong sắc đỏ với SSI (-2,65%), VCI (-3,66%), HCM (-3,35%), VND (-3,17%), MBS (-4,52%) ...

Đáng kể nhất là các cổ phiếu nhóm ngành nguyên vật liệu, với các mã ngành thép như HPG (-0,73%), NKG (-6,64%), HSG (-7,34%), TLH (-14,23%), SMC (-18,28%) và các mã hoá chất với DGC (-5,39%), CSV (-0,13%), DPM (-0,85%), DDV (-3,31%)...

Trên sàn HOSE, thêm một tuần nữa cho thấy việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn khó khăn như thế nào, khi 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn thì đến 7 mã chỉ nhích trên dưới 7%.

Trong khi đó, cổ phiếu ADP có tuần thứ hai liên tiếp là mã tăng cao nhất, nhưng khối lượng giao dịch tiếp tục dừng lại ở mức rất thấp trong phiên với chỉ 3.000-4.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.

Hai cổ phiếu khác tăng hơn 10% là VPH và VNG cũng không không nhận được quá nhiều dòng tiền, thanh khoản của VNG thậm chí cũng dừng lại ở mức vài chục nghìn đơn vị/phiên.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HBC bị bán tháo mạnh sau khi nhận quyết định hủy niêm yết. HOSE cho biết theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2023 của HBC ghi nhận con số âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 2.741 tỷ đồng.

Cổ phiếu LDG có tuần thứ hai liên tiếp giảm sâu do vẫn chịu ảnh hưởng từ việc TAND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với LDG, bởi liên quan đến khoản nợ chưa thống nhất với CTCP thương mại và xây dựng Phúc Thuận Phát. Tuần trước, cổ phiếu LDG mất 14,77%.

Các cổ phiếu khác có tính đầu cơ cao khác cũng đã góp mặt trong tuần này, như AGM, SMC, HNG, TLH, HII, VNE…

Trên sàn HNX, cổ phiếu KSV của Tổng CTCP Khoáng sản TKV tăng mạnh nhất, với 4 phiên gần nhất đều đóng cửa ở mức giá trần, thanh khoản dù chỉ trên dưới 0,3 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên, nhưng cũng đã là mức cao trong thời gian dài trước đó.

Thông tin hỗ trợ có thể đến từ kết quả kinh doanh quý II/2024 bất ngờ ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 493 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 24 tỷ đồng. Trong khi doanh thu chỉ tăng nhẹ gần 6% lên 3.432 tỷ đồng.

Trên UpCoM, đa phần các cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất tuần này tiếp tục là những mã thanh khoản thấp. Ngoại trừ cổ phiếu DGT, khi khớp lệnh các phiên trung bình trên dưới 2 triệu đơn vị/phiên.

Trong khi đó, tuần này UpCoM chào đón hai tân binh BGE của CTCP BCG Energy trong phiên 31/7 và TT6 của CTCP Tập đoàn Tiến Thịnh trong phiên 2/8.

Đối với BGE, cổ phiếu này có ba phiên giao dịch thì đều giảm, giá cổ phiếu lùi từ 15.600 đồng xuống 14.100 đồng, khớp lệnh 0,54 triệu đến 0,86 triệu đơn vị.

Trong khi cổ phiếu TT6 lại có phiên tăng mạnh gần 30% từ giá tham chiếu 10.400 đồng lên 13.500 đồng, khớp lệnh chỉ 31.600 đơn vị.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn