Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm cổ phiếu ngành điện khởi sắc

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,21 điểm (-0,02%), xuống 1.261,72 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt gần 109.520,8 tỷ đồng, giảm mạnh 20,8% so với tuần trước, nhưng vẫn giữ ở trên mức trung bình 20 phiên.

Trong tháng 5/2024, chỉ số VN-Index tăng 4,32% sau khi chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong tháng 4/2024. Chỉ số HNX-Index kết thúc tháng 5 tăng 7,17% so với tháng 4/2024 lên mức 243,09 điểm.

Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 trong nước tăng 0,05% so với tháng trước. Trên cơ sở hàng năm, CPI tháng 5 tăng 1,24% và so với cùng kỳ tăng 4,44%. Lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5/2024 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ có diễn biến khá nổi bật khi tăng giá vượt trội so với thị trường chung như PET (+8,44%), MCH (+6%), FRT (+5,9%), MWG (+5,12%), DGW (+3,2%), PSD (+2,9%).

Đáng kể khác là nhóm cổ phiếu điện, khi đón nhận dòng tiền mạnh và nhiều mã tăng tốt như BCG (+12,8%), POW (+11%), TV2 (+10,12%), PPC (+8,91%), GEG (+6,5%), PGV (+5,04%), các mã khác trong nhóm như NT2, SJD, HNA, KHP, CHP, QTP cũng kết tuần tăng điểm, nhích trên dưới 2%.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng thêm một tuần phân hóa, với BID (-4,27%), HDB (-3,93%), VCB (-3,33%), MBB (-3,12%), trong khi EIB (+11,45%), LPB (+9,79%), BVB (+5%)...

Trên sàn HOSE, các cổ phiếu tăng mạnh nhất đa phần là các cổ phiếu nhỏ, và phân hóa tại nhiều nhóm ngành. Phản ánh dòng tiền đầu cơ đã chảy mạnh trong tuần.

Đáng kể khác là cổ phiếu HVN khi có tuần tăng mạnh và giá cổ phiếu đã trở lại mức cao nhất kể từ giữa tháng 9/2021.

Mới đây, HVN đã báo tài chính quý I/2024 với doanh thu thuần đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi HVN cổ phần hóa vào năm 2015. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế ngắt mạch lỗ sau 16 quý liên tiếp và kết thúc thúc quý I đạt 4.441 tỷ đồng.

Mới đây, HVN đã công bố kế hoạch họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vào 8h30’ ngày 21/6/2024 tại Trụ sở công đoàn Tổng Công ty, số 202B đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư tiếp tục tiết cung giá thấp và các mã giảm mạnh tuần này vẫn chỉ giảm nhẹ ở mức 5-10%.

Trên sàn HNX, cổ phiếu HMR có tuần tăng mạnh nhất sàn. Giao dịch trồi sụt cả về điểm số và thanh khoản, khi giảm sàn phiên đầu tuần và tăng kịch trần trong hai phiên sau đó và nhích 7-8% trong những ngày còn lại. Thanh khoản có phiên cao nhất đạt hơn 200.000 đơn vị, nhưng có phiên chỉ hơn 50.000 đơn vị khớp lệnh.

Những cổ phiếu khác trong số các mã tăng mạnh phần lớn là các mã thị giá nhỏ dưới mệnh giá, ít có thông tin mới nào đáng kể, phản ảnh dòng tiền đầu cơ chảy mạnh trên sàn.

Trên UpCoM, cổ phiếu NS2 là mã tăng cao nhất với cả 5 phiên đều tăng kịch trần. Nhưng thanh khoản lại chỉ dừng lại ở mức trên dưới 30.000 đơn vị khớp lệnh trung bình/phiên.

Các mã khác như HU3, BLF, APP, TTP cũng tương tự khi tăng mạnh, nhưng thanh khoản chỉ dừng lại ở mức thấp.

Đáng chú ý là tân binh DPC của CTCP Nhựa Đà Nẵng bị hủy niêm yết trên sàn HNX đã có phiên đầu tiên trên UpCoM vào ngày 28/5 và đã liên tiếp ba phiên tăng trần và nhích nhẹ gần 1% trong phiên cuối tuần.

Giá cổ phiếu DPC tăng từ 6.700 đồng lên 12.100 đồng, tương đương gần 81%, tuy nhiên, thanh khoản chỉ vài trăm đơn vị khớp lệnh/phiên, trừ phiên ngày 28/5 có 2.000 đơn vị.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn