Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm ngân hàng khởi sắc

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index chỉ tăng nhẹ 0,02 điểm so với tuần trước lên 1.154,70 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt hơn 98.260,7 tỷ đồng, tăng 10,4% so với tuần trước. Trong đó, thanh khoản đột biến trong nhóm bluechip, ngân hàng với khối lượng giao dịch của VN30 tăng 41,45% so với tuần trước.

Trong tuần, thị trường đón nhận những thông tin như: Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 15/1 và bế mạc ngày 18/1, trong đó, có nội dung trình Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm 2024 là năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng toàn cầu chậm lại, từ mức 2,6% trong năm 2023 xuống còn 2,4%.

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 giảm hệ số rủi ro của các khoản cho vay đối với các dự án bất động sản khu công nghiệp từ 200% xuống 160%, nhưng các dự án bất động sản khác vẫn bị áp hệ số rủi ro là 200% như quy định cũ.

Tuần qua, diễn biến dễ dàng nhận ra nhất là việc dòng tiền đã chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và đã thúc đẩy nhóm trụ cột này phần lớn đều tăng giá, với những cái tên như CTG (+8,62%), SHB (+6,49%), NVB (+6,25%), OCB (+4,56%), EIB (+4,5%), TCB (+4,37%), BID (+3,4%), TPB (+3,1%), MSB (+3%), VCB (+2,9%), các mã ACB, HDB, VPB, VIB nhích trên dưới 1,5%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp phần lớn giảm với FIR (-19,71%), HDG (-7,06%), HDC (-6,69%), HD6 (-6,58%), NHA (-6,21%), GVR (-6,42%), DTD (-5,43%), TIP (-5,24%), SZC (-4,1%).

Đáng kể khác là các cổ phiếu dầu khí cũng đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh với PSH (-11,36%), PVB (-4,29%), PVC (-4,00%), PVS (-3,66%)...

Trên sàn HOSE, phản ánh dòng tiền tập trung vào các mã ngân hàng thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần này đã có hai cái tên trong nhóm này góp mặt, đó là cổ phiếu ngân hàng SHB, dù chỉ tăng 6,5% nhưng mã này có phiên giao dịch ngày 10/1 với khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục khi có hơn 94,3 triệu đơn vị.

Ngoài ra là CTG, dù mức tăng cũng chỉ hơn 8% và gần đây chưa có thông tin nào mới đáng kể. Thanh khoản cũng có sự gia tăng, với phiên cuối tuần khớp hơn 17,1 triệu đơn vị, mức cao nhất trong trong gần 02 năm qua.

Ở chiều ngược lại, FIR tiếp tục giảm sâu, sau khi tuần trước đó đã đánh rơi gần 13% và là cổ phiếu giảm mạnh thứ ba toàn sàn.

Trong khi đó, cổ phiếu PSH dù được giải cứu trong hai phiên cuối tuần, nhưng chừng đó chỉ đủ giúp cổ phiếu này hãm đã rơi, sau khi trước đó đã có bốn phiên giảm sàn liên tiếp.

Trên sàn HNX, cổ phiếu TKG dù có phiên bị bán chốt lời cuối tuần và giảm sàn, nhưng tổng kết vẫn có thêm một tuần tăng mạnh gần 21%. Tuần trước, TKG lọt top cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn với mức tăng hơn 34%. Thanh khoản được cải thiện đáng kể, với phiên cao nhất khớp được hơn 1,06 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu HTP tiếp tục giảm sâu hơn 30%, sau khi tuần trước đó là cổ phiếu lao dốc mạnh nhất sàn với mức giảm hơn 21%.

Trên UpCoM, thêm một tuần các cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất đều giao dịch với thanh khoản thấp, trừ phần nào đó là DTI, khi ba phiên cuối tuần khớp trung bình 0,3 triệu đơn vị/phiên.

Tuần này UpCoM chào đón tân binh AAH của CTCP Hợp Nhất trong phiên giao dịch đầu tiên vào 11/1 và cổ phiếu này đã có hai phiên tăng kịch trần. Giá cổ phiếu từ 9.000 đồng vọt lên 15.800 đồng, khớp lần lượt 0,47 triệu và 0,08 triệu đơn vị trong hai phiên.

Một tân binh khác giao dịch từ phiên 09/1 là TAL của CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco, với giá tham chiếu 21.000 đồng đã tăng mạnh hơn 21%, nhưng đã điều chỉnh, giảm 4-5% và kết tuần tại 23.000 đồng, khớp trung bình 0,2-0,3 triệu đơn vị/phiên.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn