Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm ngân hàng trở lại đúng lúc

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 21,49 điểm (+1,71%), lên 1.276,6 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt gần 94.837,8 tỷ đồng, giảm tới 25,4% so với tuần trước

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, nhưng mức độ bán ròng giảm so với tuần trước với giá trị 1.164 tỷ đồng trên HOSE. Đây là chuỗi bán ròng đột biến liên tiếp của khối ngoại trên HOSE.

Trong tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát đã chậm lại.

Trong khi đó, chỉ số CPI Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 3 và cao hơn 3,5% so với một năm trước. Chỉ số cao hơn dự đoán cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao và khiến giới đầu tư giảm đặt cược cho khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất.

Trong nước, nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng đã tăng tích cực và là đầu tàu nâng đỡ thị trường, đặc biệt là trong phiên cuối tuần.

Trong đó, các mã tăng phải kể đến VAB (+20%), LPB (+14,33%), CTG (+8,13%), BID (+6,37%), MBB (+5,6%), TCB (+4,9%), HDB (+4,1%), VIB (+4%), các mã ACB, MSB, SSB, OCB, TPB nhích trên dưới 3%, trong khi VPB tăng nhẹ và chỉ một vài mã giảm nhẹ như STB (-1,69%), PGB (-0,53%), VCB (-0,32%).

Các cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh, đa số chịu áp lực điều chỉnh giảm điểm với DRH (-8,33%), HAR (-8,15%), FIR (-6,54%), NBB (-4,92%)... ngoài các mã tăng giá QCG (+17,1%), NHA (+6,45%), DIG (+5%), VHM (+3,61%)...

Nhóm cổ phiếu dầu khí sau tuần trước bật tăng cũng có diễn biến phân hóa với POS (+14,29%), PVP (+5,26%), VTO (+2,79%), PVS (+1,09%), còn giảm đáng kể là PSH (-28,49%), PTV (-11,76%), PGS (-5%)...

Trên sàn HOSE, cổ phiếu DXV tăng mạnh nhất sàn với 4 trên 5 phiên tăng kịch trần, nhưng thanh khoản lại khá thấp với chỉ vài chục nghìn đơn vị khớp lệnh phiên, ngoại trừ phiên cuối tuần khớp hơn 0,34 triệu đơn vị.

Cổ phiếu APC, QCG được mua bắt đáy mạnh sau tuần trước đều giảm, trong đó, APC thậm chí còn lọt top cổ phiếu giảm sâu nhất sau khi nhận quyết định hủy niêm yết.

Đáng chú ý khác còn tại hai cổ phiếu ngân hàng LPB và mã lớn CTG góp mặt. Trong đó, CTG có thông tin về khả năng chia cổ tức bằng cổ phiếu trong Đại hội đồng cổ đông thường niên tới đây. Một cổ phiếu khác CTS – Công ty con của CTG cũng nhận ảnh hưởng tích cực và tăng gần 13%.

Bên cạnh đó là cổ phiếu HVN, khi có tuần thứ hai liên tiếp thuộc nhóm tăng cao nhất sàn. Tuần trước, HVN tăng gần 19%.

Ở chiều ngược lại, những cái tên như POM, QBS tiếp tục giảm sâu, sau khi tuần trước mất 20% và 16%, nguyên nhân áp lực bán tháo do dính án hủy niêm yết bắt buộc.

Trong khi đó, cổ phiếu PSH lao dốc mạnh nhất sàn, sau thông tin công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023. Đơn vị kiểm toán cho rằng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước còn nợ, nợ quá hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của PSH.

Trên sàn HNX, cổ phiếu DDG tiếp tục giảm sâu, sau tuần trước đó giảm hơn 12%. Trong khi ngược lại, HMR được mua bắt đáy mạnh, trở thành cổ phiếu tăng tốt nhất sàn sau khi mất gần 17% và là cổ phiếu giảm mạnh nhất thứ trên sàn vào tuần trước.

Cổ phiếu LPD có tuần giao dịch tích cực, có lẽ nhờ đặt kế hoạch kinh doanh 2024 tăng mạnh trong cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2024 vào ngày 10/4 vừa qua.

Theo đó, LPD đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 275 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3 tỷ đồng, trong khi lỗ ròng trong 2 năm trước đó.

Trên UpCoM, cổ phiếu AAH thêm một tuần bị bán tháo và có thêm một tuần giảm mạnh, sau khi đã mất hơn 20% trong tuần trước đó. Cổ phiếu này cũng đã có chuỗi 20 phiên liên tiếp gần nhất đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong đó, phiên cuối tuần 12/4 bất ngờ khớp lệnh hơn 24 triệu đơn vị, tương đương 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn