Top 10 doanh nghiệp bất động sản nộp ngân sách hơn 32.000 tỷ đồng
10 doanh nghiệpbất động sản tư nhân đóng góp vào ngân sách hơn 32.000 tỷ đồng
Là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1 và đứng thứ 11 về quy mô (theo số liệu năm 2022 của Tổng cục Thống kê), bất động sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc tạo dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và tạo ra tăng trưởng kinh tế. Đây còn là ngành thúc đẩy sự đi lên của nhiều lĩnh vực liên quan như bán lẻ, du lịch, giáo dục, cơ sở sản xuất…
10 năm trở lại đây, thị trường bất động sản đã và đang đóng góp ngày càng lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu như tiền thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiện nay, có nhiều bảng vinh danh doanh nghiệp nhưng chưa có danh sách nào phản ánh về tổng nộp ngân sách của doanh nghiệp. Theo báo cáo Private 100 lần đầu tiên được công bố năm 2024 - Top 100 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất trong năm tài chính 2023, tổng nộp ngân sách của Top 10 công ty bất động sản là hơn 32.000 tỷ đồng và 8/10 doanh nghiệp có số nộp trên 1.000 tỷ đồng.
Danh sách này có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu thị trường và gây dựng tên tuổi trong khoảng hai thập kỷ qua. Đứng đầu bảng xếp hạng là Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán VHM) nộp khoảng 18.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2023. Nộp ngân sách nhiều thứ 2 ngành bất động sản là Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã chứng khoán TCH). Tài chính Hoàng Huy nộp hơn 5.300 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land, mã chứng khoán TAL) với số nộp hơn 2.000 tỷ đồng. Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản như Văn Phú Invest, Novaland, Khang Điền, Vinaconex cũng đều góp mặt trong danh sách này.
Với số tiền nộp ngân sách vượt mốc 700 tỷ đồng, trong đó một nửa là từ tiền sử dụng đất, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) là một trong những trường hợp khá đặc biệt trong danh sách này, đặc biệt là bởi doanh nghiệp này vừa là chủ đầu tư vừa là nhà thầu xây dựng uy tín.
Bảng xếp hạng Private 100 (Nguồn: CafeF) |
Vinaconex định hướng phát triển các dự án bất động sản cao cấp
Danh sách Top 10 doanh nghiệp Bất động sản nộp ngân sách lớn nhất không chỉ phản ánh sức mạnh tài chính mà còn khẳng định tầm ảnh hưởng sâu rộng của các doanh nghiệp trong việc định hình và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.
Vinaconex thường được biết đến là một doanh nghiệp đầu ngành xây dựng, tham gia thi công nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn, các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc, sân bay, cầu cảng… Tuy nhiên, ngay từ khi còn là doanh nghiệp Nhà nước, Vinaconex đã tiên phong xây dựng và phát triển nhiều dự án bất động sản quy mô lớn. Hiện nay, sau gần 6 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp không còn vốn nhà nước, Vinaconex tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lĩnh vực đầu tư bất động sản, đặc biệt là định hướng phát triển các dự án bất động sản cao cấp.
Mới đây nhất, doanh nghiệp này đã ghi dấu ấn trên thị trường bất động sản khi ra mắt 2 dự án cao cấp nổi bật là: Tổ hợp Văn phòng - Thương mại – Nhà ở Vinaconex Green Diamond (93 Láng Hạ) và Tổ hợp Thương mại – Văn phòng cho thuê Vinaconex Diamond Tower (hay còn gọi là Trung tâm thương mại Chợ Mơ - Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cùng có điểm chung là diện tích xây dựng tương đối lớn, toạ lạc tại vị trí đắc địa trên các tuyến phố sầm uất bậc nhất của thủ đô, các dự án này được Vinaconex trực tiếp đầu tư và xây dựng với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, hướng đến tiêu chí “sống xanh”, “văn phòng xanh”, mang đến giá trị thực cho khách hàng và nhà đầu tư. Vinaconex đang định hướng phát triển thương hiệu trong phân khúc bất động sản cao cấp. Các dự án trong phân khúc này không chỉ được đánh giá dựa trên giá cả mà còn bởi uy tín của chủ đầu tư, chất lượng xây dựng, thiết kế độc đáo và các dịch vụ tiện ích đi kèm.
Tổ hợp Thương mại - Văn phòng cho thuê Vinaconex Diamond Tower (Trung tâm thương mại chợ Mơ) |
Ngoài ra, Vinaconex hiện đang đẩy mạnh triển khai một số dự án bất động sản tiêu biểu như dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh; Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hòa, Thành phố Móng Cái; dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao Hòa Lạc; khu đô thị mới Thiên Ân; đẩy mạnh thi công hoàn chỉnh hạ tầng tại dự án Cát Bà - Amatina đảm bảo điều kiện sẵn sàng kinh doanh...
Vinaconex cũng đang tích cực thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư để có triển khai các dự án đầu tư mới như: Dự án khu đô thị sinh thái tâm linh Biển Hồ, Phú Yên; Dự án khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội, Dự án khu công nghiệp Sơn Tây, Hà Nội… Vinaconex cũng đã tích lũy được quỹ đất rộng lớn tại nhiều địa phương đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng các loại hình bất động sản từ nhà ở, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng đến hạ tầng công nghiệp….
Trước đó, doanh nghiệp này đã khẳng định tầm nhìn trong lĩnh vực bất động sản khi tiên phong đưa mô hình khu đô thị mới vào Việt Nam, mở đầu với Dự án Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, quy mô 24 ha, cung cấp nơi ở cho 15.000 cư dân và trở thành một trong những khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ đầu tiên của Hà Nội đã đi vào hoạt động từ năm 2008.
Nối tiếp thành công này, Vinaconex cùng các đơn vị thành viên đã triển khai hàng loạt dự án bất động sản như Khu đô thị mới Bắc An Khánh Splendora, Cụm chung cư cao tầng hỗn hợp N05 Trần Duy Hưng, Cụm chung cư Nguyễn Chánh, Tòa Chung cư 2B Vinata Tower và Khu trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê Bohemia Residence, dự án 97-99 Láng Hạ…
Với lợi thế kép vừa là tổng thầu, vừa là chủ đầu tư cùng năng lực tài chính tốt, Vinaconex đang có ưu thế vượt trội trên thị trường so với các doanh nghiệp cùng ngành. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Vinaconex đạt tổng doanh thu, thu nhập trên 5.594 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 645,797 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 70% so với kế hoạch cả năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Xem thêm tại baodautu.vn