TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao nhất nửa đầu năm 2024

Tổng hợp từ báo cáo tài chính riêng lẻ của các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024, tỷ lệ CASA của các ngân hàng có diễn biến trái chiều trong nửa đầu năm 2024. Techcombank đã mất “ngôi vương”, xuống vị trí thứ 4 với tỷ lệ CASA đạt 28%.

Techcombank đã bị 3 ngân hàng khác là Vietcombank, MB và Vietinbank vượt qua trong cuộc đua về tỷ lệ CASA.
Techcombank đã bị 3 ngân hàng khác là Vietcombank, MB và Vietinbank vượt qua trong cuộc đua về tỷ lệ CASA.

Ngôi vị quán quân thuộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), với tỷ lệ CASA đạt 36,3%. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là á quân với tỷ lệ CASA 30,6% (tỷ lệ này của Tập đoàn MB đạt 38,8% nếu xét báo cáo tài chính hợp nhất). Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) có tỷ lệ CASA đạt 29%. Sau 6 tháng, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) giảm tỷ lệ CASA từ 26,3% cuối năm 2023 xuống còn 24,6%, nhưng vẫn duy trì ở vị trí thứ 5.

Ngoài ra, trong top 10 nhà băng có tỷ lệ CASA cao nhất còn có: Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (20%), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (19,5%), Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển  - PGBank (18,9%), Ngân hàng TMCP Quốc Dân - NCB (18,8%).

Nếu xét về giá trị tuyệt đối, Vietcombank cũng là ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn cao nhất, khoảng 610.716 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng chiếm tỷ trọng 75,3%; chiếm 22,5% tổng số tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank đến từ tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác (bao gồm VND và ngoại tệ) với 137.362 tỷ đồng; còn lại là các khoản tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước 1.966 tỷ đồng và tiền gửi ký quỹ 11.372 tỷ đồng.

Tiếp sau là Vietinbank với 526.040 tỷ đồng, bao gồm 323.565 tỷ đồng tiền, vàng gửi không kỳ hạn của khách hàng; 196.580 tỷ đồng tiền và vàng gửi không kỳ hạn của các tổ chức tín dụng khác; 5.895 tỷ đồng tiền gửi ký quỹ (Do báo cáo tài chính riêng ngân hàng của Vietinbank không thuyết minh rõ, lượng tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước nên không tính vào).

Vị trí thứ ba thuộc về BIDV với lượng tiền gửi không kỳ hạn 423.648 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng là 323.109 tỷ đồng, tiền gửi ký quỹ là 4.180 tỷ đồng, tiền gửi không kỳ hạn từ các tổ chức tín dụng khác là 95.591 tỷ đồng và của Kho bạc Nhà nước là 768 tỷ đồng.

MB là ngân hàng thương mại tư nhân có lượng tiền gửi không kỳ hạn cao nhất: 238.346 tỷ đồng, tiếp sau là Techcombank với 193.449 tỷ đồng.

NCB, PGBank tuy thuộc top 10 về tỷ lệ, nhưng về giá trị tuyệt đối, lượng tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này còn cách rất xa các ngân hàng top đầu, lần lượt chỉ với 12.879 tỷ đồng và 10.151 tỷ đồng.

Tỷ lệ CASA cao có lợi cho ngân hàng vì ngân hàng nhận được tiền với chi phí phải trả thấp hơn. Do đó, CASA là một chỉ số về chi phí để huy động vốn và do đó, phản ánh khả năng sinh lời hoặc khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn