Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam: Quyết tâm phục hồi sau những "cơn gió ngược"

Sức chống chịu mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân

Theo báo cáo khảo sát của Vietnam Report, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global công bố trong 10 trên 12 tháng của năm 2023 (ngoại trừ tháng 2 và tháng 8) liên tục dưới ngưỡng 50 điểm. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy có tới hơn một nửa (51,7%) số doanh nghiệp cho biết không hoàn thành kế hoạch doanh thu, 46,7% số doanh nghiệp không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch ở hai chỉ tiêu đều thấp hơn giai đoạn 2021-2022. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%, nhập khẩu giảm 8,9%. Xét bình quân, trong năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Thực tế này cho thấy phần nào bức tranh sản xuất kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp trước những "cơn gió ngược" trong năm 2023 như: sự suy yếu của tổng cầu trong nước lẫn thế giới, suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, nợ đọng, thiếu vốn…. Tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận mức âm kể từ năm 2009.

Trong bối cảnh đó, khối doanh nghiệp tư nhân vẫn mạnh mẽ vươn lên, dẫn đầu về mức tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) là 1,1% so với giai đoạn trước trong khi tốc độ tăng trưởng này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI chưa có nhiều sự cải thiện.

Trong giai đoạn 2019-2022, CAGR trung bình của Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam đạt 25,3%, trong đó, khu vực tư nhân đạt 26,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,4% và khu vực Nhà nước đạt 17,7%.

Đặc biệt, mặc dù danh sách Top 10 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024 có nhiều sự biến động so với năm 2023 nhưng có một điểm giống là đa phần đều xướng tên các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Bình Thuận; Công ty Cổ phần Chứng khoán HD; Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong; Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Imedia; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C; Công ty Cổ phần Sữa Vitadairy Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco; Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm; Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ CNC; Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong (Bee Logistics).

Quyết vượt qua vùng chướng

Kinh tế năm 2024 được dự báo sắc xám vẫn bao phủ và chưa thể loại bỏ một sớm một chiều, tuy nhiên, điểm tích cực là mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đã phần nào cải thiện.

Theo kết quả khảo sát được Vietnam Report thực hiện trong hai tháng đầu năm nay, triển vọng nền kinh tế trong năm 2024 được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 3,5/5 – mức khả quan so với năm 2023.

Trong khi đó, triển vọng của chính bản thân doanh nghiệp được đánh giá khởi sắc hơn ở mức 3,8/5. Sự lạc quan của doanh nghiệp có thể tạo ra một chu trình tích cực, đi kèm với một tinh thần sẵn lòng đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống, thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh khó khăn.

Hơn nữa, dấu hiệu phục hồi dù chậm và không đồng đều song cơ bản đã và đang dần xuất hiện ở một số lĩnh vực và ngành nghề. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các quý trong khi xuất khẩu dù giảm 4,6% trong năm qua nhưng xét riêng quý cuối cùng của năm 2023, lĩnh vực này đã hồi phục gần 8,8% so với cùng kỳ.

Cũng theo kết quả khảo sát, kịch bản tăng trưởng từ 5-5,5% là kịch bản có số doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ bình chọn là 31,6%. Kịch bản này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn trước Covid, song cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2024 theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF– tháng 1/2024) là 3,1% và của Ngân hàng thế giới (WB – tháng 1/2024) là 2,4%.

Các chuyên gia nhận định, năm 2024 sẽ là “vùng đệm” cho các năm tiếp theo khi mà là năm diễn ra những thay đổi lớn cả ở quy mô Việt Nam lẫn thế giới, mang yếu tố tái định hình môi trường kinh doanh như: là năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử với hơn 50 quốc gia chiếm hơn 60% GDP toàn cầu; là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chính phủ. Đây cũng là năm bản lề trước khi các bộ luật liên quan đến các ngành kinh tế trọng điểm có hiệu lực vào năm 2025 như: Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản…

Do vậy, để các doanh nghiệp vượt qua được vùng chướng, theo các chuyên gia vẫn cần phải dựa vào “cỗ xe tứ mã” gồm: đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; kích cầu tiêu dùng thị trường trong nước; tăng cường đầu tư công - thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Trong đó, điều tối quan trọng là sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp trong xây dựng các yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi. Bên cạnh đó rất cần có sự đồng hành của Chính phủ bởi kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, mặt bằng lãi suất cho vay giảm cùng các chính sách gỡ khó, hỗ trợ khơi thông các nguồn lực sẽ là cơ sở quan trọng cho doanh nghiệp vững tin đầu tư, kinh doanh, kiến thiết lại một quỹ đạo tăng trưởng mới.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn