Top công ty uy tín ngành logistics: Viettel Post dẫn đầu nhóm chuyển phát nhanh, Giao hàng tiết kiệm và Giao hàng nhanh lần đầu vào Top 5
Theo đơn vị phát hành báo cáo, việc bình chọn các doanh nghiệp logistics dựa trên ba tiêu chí gồm: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật trong tháng 11/2024.
Theo đó, trong nhóm ngành Chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối, Viettel Post và Vietnam Post tiếp tục giữ hai vị trí dẫn đầu. Khác với năm ngoái, top 5 năm nay có sự xuất hiện của ba doanh nghiệp mới là Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh và Chuyển phát nhanh bưu điện.
Đối với nhóm ngành Giao nhận quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ Logistics bên thứ 3, thứ 4, CTCP Gemadept vươn lên dẫn đầu sau hai năm đứng sau CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần. Ba cái tên mới xuất hiện trong Top 5 năm nay gồm CTCP Vận tải & Xếp dỡ Hải An; CTCP Giao nhân vận tải con ong và Công ty cổ phần Transimex.
Trong nhóm ngành Vận tải hàng hóa, top 3 không có gì thay đổi so với năm ngoái. Đứng đầu vẫn là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Cuối cùng, trong nhóm ngành Khai thác cảng, ba vị trí dẫn đầu thuộc về: Tân cảng Sài Gòn, Cảng hàng không Việt Nam và Cảng Hải Phòng.
Báo cáo của Vietnam Report đánh giá, năm 2024, ngành logistics Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, nhờ tăng trưởng xuất khẩu và các yếu tố hỗ trợ từ chính phủ cũng như sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu Việt Nam 10 tháng năm 2024 tăng trưởng 14,9%, đạt 335,6 tỷ USD sau giai đoạn sụt giảm trong năm 2023.
Những ngành hàng chủ lực như điện tử, dệt may, và nông sản tiếp tục dẫn đầu với đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam, đã gần cán mốc 100 tỷ USD trong 10 tháng qua, xuất siêu đạt hơn 86 tỷ USD, tăng mạnh 26,9% so với cùng kỳ. Có được kết quả như vậy một phần nhờ sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khó khăn của doanh nghiệp Logistics
Tuy nhiên, theo báo cáo của Vietnam Report, hiện nay các doanh nghiệp logistics trong nước đang đối mặt với một số thách thức gồm: Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (82,4%), Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (76,5%), Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm (58,8%), Rào cản pháp lý và thủ tục hành chính (45,3%), Lao động không đáp ứng được về số lượng/chất lượng (35,3%).
Cụ thể, tình trạng bất ổn chính trị trên thế giới được 82,4% doanh nghiệp logistics đánh giá là trở ngại lớn nhất, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các xung đột địa chính trị, như chiến tranh Nga-Ukraine, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, hay chính sách bảo hộ kinh tế từ các nền kinh tế lớn, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy thương mại và vận tải hàng hóa quốc tế. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt kinh tế, đóng cửa cảng biển tại khu vực xung đột và sự bất ổn của tỷ giá hối đoái làm tăng chi phí hoạt động cho doanh nghiệp logistics.
Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp logistics đang trở thành rào cản lớn thứ hai, với 76,5% doanh nghiệp ghi nhận đây là một khó khăn đáng kể. Thống kê cho thấy, Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 89%, còn 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Song đa phần các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics.
Phần lớn thị phần logistics vẫn do các công ty nước ngoài nắm giữ, lên đến 70-80%. Điều này khiến doanh nghiệp Việt chủ yếu hoạt động ở các phân khúc giá trị thấp như vận tải nội địa và giao nhận hàng hóa đơn giản. Để vượt qua thách thức, doanh nghiệp nội địa cần hợp tác chặt chẽ hơn, phát triển năng lực lõi, và tận dụng lợi thế địa phương để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt.
Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, được 58,8% doanh nghiệp xem là rào cản đáng kể, gây giảm cầu về vận tải hàng hóa. Tăng trưởng GDP toàn cầu giảm sút kéo theo khối lượng giao dịch thương mại co hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của ngành. Trong báo cáo tháng 10/2024, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu tương đối phẳng – giảm từ 3,3% trong năm 2023 xuống 3,2% trong năm 2024 và 2025. Với mức tăng trưởng toàn cầu chưa bứt phá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khó có thể kiến tạo mức tăng lớn hàng năm.
Thứ tư, nhiều doanh nghiệp nghiệp logistics coi rào cản pháp lý và thủ tục hành chính là thách thức chính, đây là vấn đề không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển ngành. Các doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian và chi phí để hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu, gây ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thời gian thông quan xuất khẩu tại Việt Nam là 55 giờ, cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN-4 (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, và Philippines).
Cuối cùng, vấn đề thiếu hụt lao động chất lượng với tỷ lệ 35,3% đã làm giảm khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng, trong khi sự phát triển của thương mại điện tử và chuỗi cung ứng hiện đại lại yêu cầu lao động trình độ cao. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là hơn 200.000 người, trong khi đó, khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu thị trường.
Tương lai ngành logistics năm 2025
Dù có khó khăn, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp logistics lạc quan về triển vọng năm 2025, tiếp tục đà phục hồi trong năm 2024. Ở góc nhìn chung về toàn ngành logistics, với 29,4% nhận định khả quan hơn một chút và 11,8% đánh giá khả quan hơn rất nhiều.
Chỉ 5,9% dự báo khó khăn hơn rất nhiều, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững của ngành. Điều này phản ánh niềm tin không chỉ vào cải thiện nội tại của doanh nghiệp mà còn từ sự hỗ trợ của chính sách chính phủ và xu hướng tăng trưởng thương mại quốc tế.
Xem thêm tại cafef.vn