TP HCM lập đề án nắn dòng kiều hối (*): Không can thiệp bằng biện pháp hành chính

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM - một trong 2 đơn vị trực tiếp tham gia soạn thảo về chính sách kiều hối trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2030, đã trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh chính sách thu hút "nguồn lực vàng" để phát triển kinh tế - xã hội TP HCM và cả nước.

.Phóng viên: TP HCM hiện là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút kiều hối. Nguồn lực này đã đóng góp thế nào cho kinh tế thành phố, thưa ông?

TP HCM lập đề án nắn dòng kiều hối (*): Không can thiệp bằng biện pháp hành chính- Ảnh 1.

- Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH: Theo số liệu báo cáo thống kê, ngoại trừ những giai đoạn khủng hoảng kinh tế hay đại dịch COVID-19 xảy ra thì kiều hối chuyển về thành phố trong những năm qua liên tục có xu hướng tăng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kiều hối chuyển về đạt 5,178 tỉ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Nguồn tiền này, cùng với các dòng vốn khác, trở thành nguồn lực quan trọng cho sự hồi phục và phát triển kinh tế đất nước nói chung và TP HCM nói riêng thời gian qua. Trong 7 tháng đầu năm, thông qua việc sử dụng kiều hối, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng đều có sự tăng trưởng.

Mục tiêu của đề án là thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: LAM GIANG

Mục tiêu của đề án là thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: LAM GIANG

Về mặt chính sách, kiều hối đã góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế, tạo điều kiện hỗ trợ và góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, ổn định kinh tế vĩ mô và kìm giữ lạm phát, giảm bớt áp lực đối với tỉ giá. Đồng thời, bảo đảm duy trì mối liên hệ hợp lý giữa lãi suất - tỉ giá, ổn định giá trị tiền đồng, song vẫn thực hiện được yêu cầu về hỗ trợ xuất - nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.

.Tham gia trực tiếp đề án liên quan chính sách kiều hối, NHNN Chi nhánh TP HCM đã xây dựng và triển khai những giải pháp gì để thu hút, hướng dòng vốn này vào sự phát triển kinh tế TP HCM và cả nước?

- Nói kiều hối là "nguồn lực vàng" bởi đây là nguồn vốn ngoại tệ rất đặc biệt, như không phải hoàn trả, không phải trả lãi; đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng, điều kiện sử dụng vốn kèm theo như các nguồn vốn khác (vốn vay, vốn đầu tư nước ngoài…). Với ý nghĩa đó, nếu khai thác và sử dụng hiệu quả, nguồn kiều hối sẽ trở thành "nguồn lực vàng" góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong việc triển khai thực hiện đề án, với các nhiệm vụ liên quan hoạt động NH, chúng tôi sẽ tập trung làm tốt nhiệm vụ về mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối cho người thụ hưởng; tham mưu về cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực kiều hối và phối hợp làm tốt công tác thông tin truyền thông, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, phối hợp để triển khai những giải pháp về việc tập trung và khuyến khích sử dụng kiều hối vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

.Đề án về chính sách kiều hối của TP HCM được xây dựng với tinh thần không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền, mà chủ yếu định hướng nguồn lực này vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

- Đúng vậy. Mục tiêu của đề án là thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đề án đã đưa ra các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đề án khuyến khích sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối bằng các công cụ kinh tế một cách khoa học, phù hợp quy luật kinh tế và cơ chế thị trường, vừa bảo đảm quyền và lợi ích của người dân vừa mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn.

Trong vai trò thực hiện chính sách kiều hối và cung cấp các sản phẩm dịch vụ chi trả kiều hối, ngành NH TP HCM sẽ tập trung làm tốt nhiệm vụ này, đồng thời phối hợp với sở, ngành chức năng thực hiện những giải pháp khác của đề án. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu các giải pháp, mô hình thí điểm để khuyến khích và tập trung nguồn lực kiều hối cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhằm mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn. Tuy nhiên, việc này cần thời gian.

Việc trước mắt và ngắn hạn là phối hợp thông tin tuyên truyền về đề án để người dân và kiều bào nắm bắt đầy đủ hơn về kiều hối, sử dụng kiều hối sao cho mang lại hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất. Các tổ chức tín dụng, công ty kiều hối sẽ nắm bắt và thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ hoạt động kiều hối để thực hiện tốt các giải pháp mà đề án giao cho ngành NH thành phố.

.Theo ông, có nên nghiên cứu, thống kê lại xem dòng kiều hối đã và đang đi đâu, để có giải pháp "nắn dòng" phù hợp?

- Về mặt lý luận và bản chất của kiều hối cũng như vai trò của nguồn lực này thì việc người dân, người thụ hưởng sử dụng kiều hối vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư hay tiêu dùng cho sinh hoạt, đời sống… đều góp phần mang lại hiệu quả đối với kinh tế - xã hội, thông qua việc kích thích và tăng tổng cầu, tăng tiêu dùng.

Tuy nhiên, nếu môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, có nhiều sự lựa chọn cho việc đầu tư hoặc sản xuất - kinh doanh để mang lại hiệu quả cao hơn thì sẽ kích thích, thu hút nguồn lực kiều hối đầu tư vào sản xuất - kinh doanh hoặc sử dụng cho dự án, lĩnh vực nào đó. Khi ấy, nguồn kiều hối sẽ được sử dụng tập trung và mang lại lợi ích to lớn hơn, hiệu quả hơn.

Với ý nghĩa như vậy, việc nghiên cứu, thống kê xem thực tế kiều hối chuyển về được sử dụng như thế nào và tập trung vào lĩnh vực cụ thể gì là điều cần làm. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp, định hướng để sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-8

Tăng thêm niềm tin cho kiều bào

Theo đại diện NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều đã giúp hỗ trợ dòng vốn ngoại tệ, duy trì ổn định tỉ giá và có điều kiện thực hiện chính sách về ngoại hối. Đây còn là nguồn tài chính của kiều bào hỗ trợ người thân ở Việt Nam để phục vụ đời sống và các hoạt động kinh doanh khác. Trong 7 tháng đầu năm nay, kiều hối về qua Vietcombank đạt xấp xỉ 2,4 tỉ USD (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái), kỳ vọng cả năm sẽ đạt khoảng 4 tỉ USD.

Người Việt Nam sang nước ngoài lao động và học tập ngày càng nhiều, tạo nhu cầu khá lớn cho hoạt động gửi tiền về Việt Nam với các mục đích khác nhau, như trả nợ NH, hỗ trợ cuộc sống người thân, đầu tư bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác. Để thu hút "nguồn lực vàng" này, Vietcombank đã triển khai rất nhiều chương trình với chính sách ưu đãi, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm âm lịch, khi kiều bào có nhu cầu gửi tiền về hỗ trợ người thân tiêu dùng hoặc đầu tư.

"Bên cạnh các chính sách, sản phẩm ưu đãi, thu hút kiều hối từ các NH thương mại, để thu hút, huy động nguồn lực này, cần có thêm những chính sách tích cực nhằm tăng thêm niềm tin cho kiều bào, đồng thời tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực" - đại diện Vietcombank nhìn nhận.

Xem thêm tại cafef.vn