Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng GRDP của thành phố năm 2023 tăng 5,81% so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2023 ước thực hiện 448.826 tỷ đồng, đạt gần 96% dự toán và bằng 95,15% so với cùng kỳ.
TP. Hồ Chí Minh sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách thí điểm để phục hồi, phát triển kinh tế |
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Bên cạnh việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ trung ương, TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân như thực hiện các giải pháp cắt giảm các chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp”.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng ban hành các Chương trình hành động và đôn đốc các ngân hàng thương mại thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Theo đó, tổng doanh số cho vay hỗ trợ 2% lãi suất tại TP. Hồ Chí Minh đạt 80.942 tỷ đồng, chiếm 36% so với cả nước và chiếm 36,8% về dư nợ tín dụng.
Về thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), kết quả thực hiện Nghị quyết 43/2022 đã có 133.164 doanh nghiệp kê khai giảm thuế GTGT với số tiền thuế GTGT được giảm khoảng 39.300 tỷ đồng, qua đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thành phố cũng tập trung giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, phối hợp với các bộ ngành khởi công Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Dự án Nhà ga T3.
Về Chương trình cho vay tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trong đợt 1, thành phố đã có 6 dự án đủ điều kiện vay vốn với tổng mức dự kiến vay 2.776,7 tỷ đồng. Trong đó, 1 dự án đã được chi nhánh BIDV chấp thuận cho vay, đến nay chủ đầu tư chưa có nhu cầu giải ngân, 5 dự án còn lại các chủ đầu tư đang trong quá trình làm việc với các ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng.
Đến thời điểm hiện tại, việc vận dụng các cơ chế, chính sách thí điểm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn là vấn đề cần được nghiên cứu, song song việc đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Bên cạnh đó, cần giải pháp hiệu quả phát triển các loại thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết - Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, để đạt được hiệu quả trong những năm sắp tới, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025; tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và vận dụng tối đa các giải pháp, các chính sách được nêu trong Nghị quyết 98. |