TP.HCM đang chọn phương án khả thi nhất "cứu" Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM, liên quan Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đầu tư, Tổ công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng đã đưa ra ba cách gỡ vướng dự án chống ngập.
UBND TP.HCM đang nghiên cứu để đề xuất áp dụng phương pháp khả thi nhất.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng khởi công giữa năm 2016, mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Đây được xem là dự án chống ngập có quy mô vốn lớn nhất thành phố.
Công trình hoàn thành hơn 90% nhưng phải tạm dừng. Nguyên nhân là do đã hết thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ tháng 9/2020 nên Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân cho Ngân hàng BIDV để tiếp tục cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án.
Vào năm 2021, Thủ tướng đã đồng ý cho TP.HCM tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù và các thủ tục cũng được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Đến tháng 1/2023, UBND TPHCM ký kết phụ lục hợp đồng BT và biên bản thỏa thuận với nhà đầu tư dự án.
Tuy nhiên, những vướng mắc, phát sinh mới xuất hiện. Cụ thể, cơ chế thanh toán hợp đồng BT chỉ cho thanh toán bằng đất, trong khi dự án chống ngập do triều được cơ chế đặc thù là thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách. Cơ sở pháp lý để thanh toán bằng cả đất và tiền vẫn còn vướng về cơ sở pháp lý.
UBND TP.HCM đang nghiên cứu để tìm phương án khả thi nhất nhằm "cứu" dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. |
Hồi tháng 5/2024, Ngân hàng BIDV có văn bản gửi UBND TP.HCM thông tin, khoản vay Dự án này đã được ngân hàngtài trợ khoảng 7.095 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại khoản vay đã quá hạn trả nợ gốc 6.008 tỷ đồng, tương đương 84,6% tổng dư nợ cho vay. Trong đó BIDV đã phải thu xếp nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn 4.091 tỷ đồng cho Ngân hàng Nhà nước.
Vì vậy, BIDV đề nghị lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị sớm xây dựng phương án để báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, tháo gỡ cho dự án ngăn triều 10.000 tỷ được triển khai thi công trở lại; bố trí nguồn thanh toán để Trungnam Group trả một phần nợ đến hạn cho BIDV theo quy định.
Về phần mình, Trungnam Group cho hay, việc tạm dừng và kéo dài dự án do các vướng mắc tự doanh nghiệp không thể giải quyết được và cũng không thuộc trách nhiệm của đơn vị. Tuy nhiên, điều này làm phát sinh lãi vay mỗi ngày gần 2 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn