Trái chiều bộ đôi FOX – FPT: Nhà đầu tư thích ‘tiền tươi thóc thật’ hơn giấc mơ lớn?
Phiên giao dịch ngày 16/4, khi các nhà đầu tư còn đang ngóng chờ một chỉ báo rõ ràng giữa dòng thông tin vĩ mô đan xen, bộ đôi FPT và FOX bất ngờ hoá “người dưng ngược lối”.
Cổ phiếu FPT của Công ty CP FPT trở thành tâm điểm của nhóm VN30 theo cách không ai mong đợi, khi là mã duy nhất giảm kịch sàn. Mã này rơi xuống mức 107.900 đồng/cp trong tình trạng trắng bên mua, với hơn 18 triệu đơn vị được sang tay và hơn 1 triệu cổ phiếu dư bán, chủ yếu được kê tại giá sàn. Đây cũng là cái tên bị khối ngoại “xả hàng” mạnh nhất phiên, giao dịch 16/4 với tổng giá trị lên tới 489,7 tỷ đồng.

Ngược chiều, cổ phiếu FOX của Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) diễn biến tích cực khi tăng 4,01%. Khối lượng giao dịch đạt 604.527 đơn vị, gấp 3,7 mức trung bình một năm.
Trước đó, hai cổ phiếu này vẫn chung nhịp kể từ điểm “giao cắt” hồi tháng 5/2023.Tuy nhiên, từ ngày 10/4, đồ thị giá của hai mã này đã dần rẽ theo hai lối riêng và phiên giao dịch 16/4 dường như đã xác lập rõ hai xu hướng đối lập: FPT đang trượt dần về đáy một năm, trong khi FOX lặng lẽ bứt tốc, chỉ còn cách khoảng 14% so với vùng đỉnh thiết lập vào giữa tháng 6 năm ngoái.

Hai sắc xanh đối lập được ghi nhận sau loạt thông tin truyền đi cách nhau chưa đầy 24 giờ, là minh chứng sống động cho cách thị trường “đọc vị” doanh nghiệp.
Cú rơi tự do của cổ phiếu FPT xảy ra ngay sau khi Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, nơi ban lãnh đạo vẽ nên bức tranh kinh doanh rực rỡ với mục tiêu doanh thu 75.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với năm 2024. Tuy nhiên, song song với đó, ban lãnh đạo cũng xin cổ đông cho phép điều chỉnh kế hoạch nếu tình hình thế giới biến động. Nói cách khác, “giấc mơ lớn” của FPT được cài thêm “nút hoãn”.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Tập đoàn này sẽ trả cổ tức năm 2024 bằng tiền theo tỷ lệ 20% (tương đương 2.000 đồng/cp). Một nửa đã được FPT tạm ứng từ năm ngoái, phần còn lại dự kiến trả nốt trong quý II năm nay. Đây là năm thứ 7 liên tiếp FPT duy trì mức cổ tức này.
Ngoài ra, FPT cũng lên kế hoạch phát hành hơn 222 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 15%. Như vậy, cổ đông của FPT sẽ nhận được tổng cộng 35% cổ tức và cổ phiếu thưởng, tương tự hai năm trước đó. Sau phát hành, Tập đoàn công nghệ này sẽ nâng vốn điều lệ từ 14.711 tỷ đồng lên 16.933 tỷ đồng.
Năm 2025, Tập đoàn cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP giai đoạn 2026–2030 cho cán bộ quản lý cấp cao, với tỷ lệ phát hành tối đa 1% trong vòng 5 năm và thời gian hạn chế chuyển nhượng 10 năm. Tuy nhiên, tại Đại hội, một cổ đông đã góp ý về việc nâng mức sinh lời cổ đông (TSR) trong công thức tính toán tỷ lệ ESOP từ 10% lên 15% với lý doTSR của FPT trong giai đoạn 5 năm qua lên đến tới hơn 40% và con số 10% trong kế hoạch là chưa đủ hấp dẫn.
Phản hồi đề xuất này, ông Nguyễn Thế Phương – Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết, con số 10% không phải là mục tiêu ban lãnh đạo công ty đặt ra để hưởng ESOP, đồng thời nhấn mạnh: “Giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều chuyện, chúng tôi không có ý định tác động đến giá cổ phiếu. Chúng tôi đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận và quan hệ cổ đông tốt nhất trên thị trường và kỳ vọng hai yếu tố này sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu của FPT”.
Tuy nhiên, sau những chia sẻ của lãnh đạo FPT, thị trường lại phản ứng bằng cách lạnh lùng nhất: bán tháo.
Ngược lại, FPT Telecom lập tức “ghi điểm” khi công bố kế hoạch trả cổ tức đợt 2 bằng tiền mặt năm 2024 ở mức 3.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, vào tháng 3/2025, doanh nghiệp này đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 với tỷ lệ 20%. Như vậy, cổ đông sẽ nhận tổng cộng 50% cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2024.
Bên cạnh việc thanh toán cổ tức tiền mặt, FPT Telecom cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần với tỷ lệ 50%, qua đó tăng vốn từ mức 4.925 tỷ đồng lên gần 7.388 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, FPT Telecom đặt mục tiêu doanh thu 19.900 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 17%. Nếu hoàn thành, doanh nghiệp sẽ thiết lập mức kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận.
Trớ trêu thay, FPT hiện đang sở hữu 45,66% cổ phần tại FPT Telecom và ghi nhận đây là công ty con trong báo cáo tài chính hợp nhất. Lợi nhuận từ FPT Telecom, về lý thuyết, vẫn sẽ góp phần vào lợi nhuận của FPT. Thế nhưng, trên thị trường, hai cổ phiếu lại đang được “định giá” theo hai cách hoàn toàn khác biệt.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, tại ĐHĐCĐ vừa qua, đã gọi năm 2025 là “năm của những khó khăn ngút trời” nhưng đồng thời cũng là “năm của những cơ hội không tưởng”. Với chiến lược xoay quanh trụ cột “Khoa học – Công nghệ – Đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi số”, FPT khẳng định mục tiêu trở thành một trong những tổ chức công nghệ cạnh tranh nhất khu vực. Tuy nhiên, những tuyên ngôn tầm vóc dường như vẫn chưa đủ sức níu chân nhà đầu tư đang ưu tiên tiền mặt hơn là những lời hứa hẹn về tương lai.
Trong thị trường tài chính vốn phức tạp và nhạy cảm, những gì đang diễn ra trước mắt có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau phản ứng trái chiều đối với bộ đôi FPT – FOX, có thể còn những chuyển động âm thầm khác.
Tuy nhiên, dù lý do là gì, diễn biến thị trường ngày 16/4 đã nói lên điều mà ai cũng hiểu nhưng không phải lúc nào cũng thừa nhận: trong thời kỳ bất định, “tiền tươi thóc thật” vẫn là ngôn ngữ dễ hiểu và đáng tin nhất.
Khoảng thời gian 10-16/4 có thể chưa đủ dài để định hình xu hướng. Nhưng ít nhất, trong khoảnh khắc ấy, dòng tiền thực tế đã tạm thời giành chiến thắng trước giấc mơ tương lai.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn