Tràn lan bẫy lừa đảo: Mạo danh chuyên gia, Sở Giao dịch Chứng khoán gọi đầu tư

Trong thời gian gần đây, các trang mạng xã hội tràn ngập thông tin sai lệch, lợi dụng hình ảnh của các chuyên gia tài chính và logo của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) để kêu gọi tham gia các hội nhóm và khóa học đầu tư chứng khoán. TS. Cấn Văn Lực, TS. Trần Đình Thiên và ông Phạm Lê Thái là những chuyên gia kinh tế uy tín bị mạo danh nhằm tạo lòng tin cho các chương trình giả mạo này.

Hình ảnh của TS Trần Đình Thiên bị sử dụng để mời gọi nhà đầu tư tham gia các khoá học đầu tư chứng khoán

Việc sử dụng hình ảnh cá nhân của các chuyên gia không chỉ gây tổn hại đến uy tín của họ mà còn đẩy các nhà đầu tư vào nguy cơ bị lừa đảo. Đáng lo ngại hơn, các đối tượng đứng sau những hoạt động này thường sử dụng chiêu trò tinh vi như chạy quảng cáo trên mạng xã hội để gia tăng sự tiếp cận.

Trước tình hình này, VNX đã khẳng định cơ quan này, cùng với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), không liên quan đến bất kỳ chương trình giảng dạy hay nhóm đầu tư chứng khoán nào. VNX đồng thời đưa ra khuyến cáo, nhấn mạnh nhà đầu tư cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định tham gia các hoạt động đầu tư chứng khoán.

Theo TS. Cấn Văn Lực, các chương trình quảng cáo hứa hẹn lợi nhuận cao, không rủi ro trên không gian mạng thường là giả mạo và mang tính chất lừa đảo. Ông khuyến cáo: “Những lời hứa về lợi nhuận lớn và nhanh chóng thường đi kèm nguy cơ rủi ro cao hoặc là dấu hiệu của lừa đảo. Nhà đầu tư cần đặc biệt cảnh giác và tránh chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm qua các kênh không đáng tin cậy”.

Hình ảnh của TS Cấn Văn Lực được sử dụng để mời gọi nhà đầu tư tham gia nhóm Zalo, cùng với đó là logo của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX)

Các chiêu trò lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn khi công nghệ AI được sử dụng để giả mạo hình ảnh và giọng nói của các lãnh đạo doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán lớn như ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ nhà đầu tư khỏi các hành vi gian lận ngày càng phức tạp.

Các tổ chức lừa đảo không chỉ dừng lại ở việc bán khóa học đầu tư chứng khoán mà còn ẩn chứa các hoạt động “lùa gà” – một thuật ngữ chỉ các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, bị hấp dẫn bởi lợi nhuận phi thực tế, thường là mục tiêu dễ dàng.

Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, nhà đầu tư cần thực hiện các bước kiểm tra cẩn thận trước khi tham gia bất kỳ chương trình nào. Một trong những biện pháp quan trọng là tìm kiếm thông tin từ các nguồn chính thống như website của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam hoặc các tổ chức tài chính uy tín. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và giữ vững sự minh bạch của thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về cách nhận diện các dấu hiệu lừa đảo tài chính. Những buổi hội thảo trực tuyến miễn phí hoặc các tài liệu hướng dẫn từ các tổ chức chuyên nghiệp có thể là công cụ hữu hiệu giúp nhà đầu tư trang bị kiến thức cần thiết, tránh mắc bẫy.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn