Triển vọng cổ phiếu ngành Dệt may: Sau cơn mưa trời lại sáng

Vượt qua bão giông

Trong năm 2023, ngành Dệt may đã trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn do bị tác động nặng nề bởi các yếu tố về bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, cùng với hàng tồn kho tăng cao đã khiến cho cả đơn đặt hàng dệt may và đơn giá giảm sâu. Kết thúc năm 2023, tổng cầu dệt may toàn cầu giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022 đạt 700 tỷ USD.

Tại Việt Nam, ngành Dệt may cũng ghi nhận mức tăng trưởng âm với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2023 giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 33.3 tỷ USD.

Từ cuối quý IV/2023, ngành Dệt may đã có các tín hiệu khả quan khi quá trình xử lý hàng tồn kho tại Mỹ đang dần kết thúc, chu kỳ bổ sung hàng tồn kho đang bắt đầu và sẽ thúc đẩy việc gia tăng đơn hàng.

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng bán lẻ quần áo và phụ kiện tại Mỹ và Nhật Bản đã có những cải thiện đáng kể so với cùng kỳ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ cũng cải thiện so với năm ngoái, cho thấy người dân đang ngày càng khả quan hơn về triển vọng tài chính của mình. Theo McKinsey, ngành thời trang Mỹ đang dần quay trở lại với tốc độ tăng trưởng doanh số thời trang đạt khoảng 2% - 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng dệt may tăng cao, các doanh nghiệp dệt may đang tích cực mở rộng sản xuất, phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu đang dần quay trở lại.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may Việt Nam được kỳ vọng phục hồi trong sự thận trọng, dự kiến tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt 44 tỷ USD dựa trên mức nền thấp trong 2023 và kỳ vọng chu kỳ bổ sung hàng tồn kho bắt đầu từ 2024.

Hiện, các công ty FDI ngành Dệt may đang bắt đầu mở thêm nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại Việt Nam cho thấy ngành đang có những triển vọng tích cực. Các hiệu định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và RCEP đang tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU và Nhật Bản.

Ngoài ra, tiêu thụ hàng may mặc trong nước cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, doanh số hàng may mặc của Việt Nam đạt gần 250 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, tăng 7,4% so với 2022 mặc dù tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức.

Sàng lọc cổ phiếu tiềm năng

Điểm nhấn đầu tư cổ phiếu ngành Dệt may có TCM của CTCP Dệt may Thành công và MSH của CTCP May Sông Hồng. Đây cũng là 2 cổ phiếu cho thấy tín hiệu đi ngược thị trường hiện nay và là cơ hội đầu tư tiềm năng giai đoạn tới.

Kết thúc năm 2023, CTCP Dệt may Thành công ghi nhận doanh thu thuần giảm 23,3% so với cuối năm 2022, đạt 3,325 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 52,4% còn 134 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình đơn hàng của CTCP Dệt may Thành công khá tích cực khi mà Công ty đã nhận vượt kế hoạch doanh thu cho đơn hàng nửa đầu năm 2024 và đã nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng nửa sau năm 2024.

Ước tính, doanh thu thuần của 6 tháng đầu năm của Công ty này tăng trưởng 7% so với ùng kỳ năm ngoái, đồng thời lợi nhuận ròng tăng trưởng 14%. Dự phóng kết quả kinh doanh cả năm 2024 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với doanh thu thuần tăng 15,3% so với cuối năm 2023, đạt 3.382 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ước đạt 178 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một thuận lợi khác của CTCP Dệt may Thành công là ít bị tác động bởi căng thẳng ở Biển Đỏ do thị trường chính của công ty là Châu Á với tỷ trọng đạt khoảng 64%.

Đối với cố phiếu MSH, điểm nhấn đầu tư đến từ sự hồi phục của toàn ngành Dệt may nói chung và sự hồi phục của đơn hàng đối với CTCP May Sông Hồng nói riêng, khi mà các đối tác chính là Walmart và Target đều đang gia tăng các đơn hàng.

Sau khi tạo đáy lợi nhuận ở quý III/2024, CTCP May Sông Hồng có đà phục hồi đáng kể trong những tháng đầu năm 2024. Quý I/2024, CTCP May Sông Hồng ghi nhận doanh thu thuần là 770 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023  và lợi nhuận sau thuế đạt 95 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.

Dự phóng doanh thu thuần của CTCP May Sông Hồng cả năm 2024 sẽ tăng 13,4% so với cuối năm 2023 đạt 5.151 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 21,8%, đạt 299 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp năm 2024 có thể cải thiện lên mức 13% nhờ tối ưu hóa công suất nhà máy may Sông Hồng 10 khi đơn hàng gia tăng.

Tuy nhiên, CTCP May Sông Hồng có khả năng sẽ chịu sức ép lớn từ chi phí vận chuyển tăng cao do sự kiện tại Biển Đỏ khi mà 90% tỷ trọng doanh thu của MSH đều từ Mỹ và EU. Từ đó, dự phóng biên lợi nhuận ròng của CTCP May Sông Hồng trong năm nay sẽ chỉ cải thiện nhẹ lên mức 5.8%.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn