Triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp đã “thẩm thấu” vào giá cổ phiếu?
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục khả quan trong nửa cuối năm 2024. Ảnh tư liệu

Lợi nhuận dự kiến “tăng tốc” nửa cuối năm

Theo số liệu cập nhật từ Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), tính tới đầu tháng 8/2024 đã có 1.063 trong tổng số 1.662 doanh nghiệp (DN) công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường đạt gần 134.400 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và 8,7% so với quý đầu năm. Đà tăng được dẫn dắt bởi nhóm phi tài chính (+23%), thay vì nhóm tài chính (+19,5%) như các kỳ trước.

Về mặt định giá, sau khi số liệu kết quả kinh doanh quý II/2024 được công bố, P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) của VN-Index đã giảm từ mức 14,1 lần cuối tháng 6, xuống 13,8 lần cuối tháng 7, thấp hơn mức bình qtuân 14,14 lần của chỉ số này trong 1 năm qua. Chỉ số P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.

Trong báo cáo gần đây, FiinGroup cũng dự báo, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nửa cuối năm 2024 sẽ vượt 20%, nhờ sự hồi phục của nhóm phi tài chính. Chỉ số P/E có thể tiếp tục giảm khi thị trường điều chỉnh, tạo cơ hội đầu tư ở các ngành và cổ phiếu có dư địa tăng trưởng về định giá. Các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, thép, chứng khoán, bất động sản và thủy sản đã chứng kiến sự tăng giá mạnh trong giai đoạn trước, nhưng hiện đang chững lại do tăng trưởng lợi nhuận không đạt kỳ vọng. Ngược lại, nhóm thực phẩm và sữa đang được định giá cao hơn nhờ kỳ vọng vào sự tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Đồng thuận về xu hướng, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng tốc mạnh trong nửa cuối năm 2024 với mức tăng ước tính xấp xỉ 25% so với cùng kỳ. Theo đó, động lực tăng trưởng sẽ đến từ nhóm ngân hàng nhờ nhu cầu mở rộng của nền kinh tế, giúp tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt mức mục tiêu 14% - 15%.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2024 dựa trên mức nền thấp cùng kỳ, khi các chủ đầu tư lớn tập trung bàn giao sản phẩm đã mở bán từ trước. Một số nhóm ngành khác như hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, bán lẻ, hàng không sẽ là những điểm nhấn chính đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung khi triển vọng sản xuất công nghiệp tích cực.

Thị giá phản ánh thực chất nội tại doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, thị trường sẽ sớm quay lại phản ánh những yếu tố cơ bản của các DN, phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế, do vậy những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng ngành tích cực sẽ là những cổ phiếu sớm muộn cũng được dòng tiền hướng đến.

Nhìn tổng thể, điểm tích cực là thị trường đang đi đúng hướng, thị giá cổ phiếu trên sàn ít nhiều vẫn phản ánh thực chất nội tại của DN so với những giai đoạn trước, đây là cơ sở bền vững để thị trường đi lên trong dài hạn.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, đã có những tín hiệu lạc quan cho thấy sự phục hồi của các DN. Nhiều ngành như xuất khẩu, may mặc, đồ gỗ cũng đã có dấu hiệu khởi sắc, bất động sản cũng dần hồi phục, một số DN có kết quả kinh doanh đảo chiều từ âm sang dương.

Tuy nhiên, những thông tin tích cực của DN chưa được thẩm thấu vào giá, chỉ một vài DN có thông tin đột biến cổ phiếu có tăng giá trở lại, so với mặt bằng giá chung giá vẫn giảm, điều đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn thận trọng.

Ông Phương cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm giảm lãi suất, dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên cũng đảo chiều, dịch chuyển trở lại các thị trường này, trong đó có Việt Nam. Từ quý III/2024 tới cuối năm, DN dần hưởng lợi nhiều hơn giúp kết quả kinh doanh tốt hơn. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua thị trường tài chính sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán nhiều hơn thay vì rút ròng, khi đó giá cổ phiếu tốt hơn.

Còn ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường luôn dao động, nhưng trong trung hạn và dài hạn trở đi, ngoài yếu tố vĩ mô, thị trường luôn được chuyển biến dựa trên cơ sở của việc dòng tiền và kết quả hoạt động kinh doanh của DN. “Trong giai đoạn mà thị trường đang có những diễn biến ngập ngừng hoặc đi ngang, nhà đầu tư không nên lạm dụng việc vay vốn đòn bẩy, cần giữ một tâm thế bình tĩnh và nên quan tâm nhiều đến những DN có sự chuyển biến tốt” - ông Long nói.

Yếu tố nào nên lưu tâm khi chọn lọc danh mục?

Theo các chuyên gia, khi lựa chọn cổ phiếu cho danh mục của mình, nhà đầu tư cần quan tâm tập trung vào các yếu tố chính như: doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh tốt, hưởng lợi trong chu kỳ hồi phục; có các câu chuyện tăng trưởng riêng như tăng công suất, cải thiện biên lợi nhuận, hưởng lợi từ các chính sách mới; doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh; đang ở mức định giá hấp dẫn trong trung dài hạn…