Triển vọng năm 2024 của 3 'ông lớn' ngành thép: HPG, HSG, NKG
Gần đây, thị trường thép xây dựng đã chứng kiến đợt tăng giá đầu tiên trong năm 2024. Giá thép nội địa đã ghi nhận một bước nhảy vọt, dao động trong khoảng từ 150.000 đến 370.000 đồng/tấn, đánh dấu lần tăng giá thứ 5 trong vòng 2 tháng qua.
Đánh giá về triển vọng của thị trường thép trong năm 2024, nhiều chuyên gia đồng thuận rằng, nếu Chính phủ và các bộ ngành không áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn đối với thị trường bất động sản, thì thị trường thép vẫn chưa thể đạt được sự phục hồi ngay lập tức. Khả năng khó khăn vẫn tiếp tục do nhu cầu sử dụng thép vẫn đang ở mức thấp.
Triển vọng ngành thép năm 2024 |
Trước đó, năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua một giai đoạn kém sắc, ảnh hưởng đến tiêu thụ thép, đặc biệt là thép xây dựng. Số dự án xây dựng mới được cấp phép trong năm 2022 giảm mạnh, làm thấp đi nhu cầu xây dựng trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định rằng ngành thép vẫn cần thêm thời gian để hồi phục sau đợt khủng hoảng, đặc biệt là về khả năng tiêu thụ nội địa.
Về ngành thép, PSI dự đoán rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục làm chậm quá trình phục hồi. Mặc dù có sự cải thiện về cuối năm, nhưng tiêu thụ trong nước vẫn chưa đủ để đẩy ngành thép trở lại đà tăng trưởng. Sau 11 tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đã giảm xuống còn 25.0 triệu tấn (-7.8% so với cùng kỳ năm trước), trong khi tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23.7 triệu tấn (-5.6% so với cùng kỳ năm trước).
Kết phiên ngày 9/1, nhóm cổ phiếu ngành thép đồng loạt giảm điểm với cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát giảm 0,5% xuống 27.700 đồng/cp. Cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen giảm 2% xuống 21.900 đồng/cp. Cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim giảm 1% xuống 23.600 đồng/cp.
HPG - Tập đoàn Hòa Phát
HPG hiện đang ghi nhận diễn biến điều chỉnh nhẹ ở mức giá 27.700 đồng/cp. Các chuyên gia đề xuất nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua cổ phiếu HPG trong khoảng giá 27.600–28.000 đồng, với mục tiêu gần là 30.000 đồng, cao hơn khoảng 8,3% so với giá đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 9/1. Theo đánh giá kỹ thuật, giá mục tiêu của HPG là 30.700 đồng/cp, tương ứng với tăng trưởng khoảng 11% so với mức giá hiện tại.
Trong tháng 12, sản lượng tiêu thụ thép dài và HRC đã ghi nhận sự tăng mạnh, tăng 36% so với cùng kỳ và 7% so với tháng trước, đạt mức 760.000 tấn. Đây là mức cao nhất từ tháng 4/2022, chủ yếu nhờ vào sự hồi phục của kênh nội địa và duy trì sự vững chắc của kênh xuất khẩu.
Việc tăng giá thép trong tháng đã đóng góp tích cực cho tâm lý thị trường và thúc đẩy nhu cầu tăng cường hàng tồn kho của các nhà mua. Giá thép đã có xu hướng phục hồi không chỉ tại thị trường nội địa mà còn ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, và EU. Điều này đến từ việc sản lượng thép giảm tại Trung Quốc, nhu cầu tăng trong mùa cuối năm, và sự tăng giá của các nguyên vật liệu chính như quặng sắt và than cốc.
Theo ước tính của các chuyên gia tại SSI, lợi nhuận trong quý IV/2023 có thể đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 2 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2022. Trong năm 2024, dự kiến lợi nhuận của Công ty sẽ tăng trưởng hơn 80%, lên trên 11.000 tỷ đồng do cải thiện sản lượng và giá thép ổn định trở lại.
>> Hòa Phát (HPG) có thể lãi 2.300 tỷ đồng trong quý IV/2023
CTCP Tập đoàn Hòa Phát |
HSG - Tập đoàn Hoa Sen
Mới đây, HSG vừa công bố báo cáo thường niên (niên độ tài chính 2022-2023). Bên cạnh kết quả kinh doanh hợp nhất (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023) với doanh thu 31.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ, thông tin đáng chú ý khác là kế hoạch IPO một công ty thành viên.
Lên kế hoạch cho niên độ tài chính 2023-2024, đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa, Hoa Sen cho biết sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của CTCP Nhựa Hoa Sen, từng bước triển khai phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) khi đã chuẩn bị đủ nguồn lực và điều kiện thị trường cho phép.
Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2024-2026. Nếu tình hình kinh tế thuận lợi, HĐQT sẽ trình phương án IPO lên ĐHCĐ xem xét, thông qua.
Về góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu HSG ghi nhận chỉ báo MACD diễn biến tích cực kết hợp cùng với chỉ báo định hướng trung bình ADX hiện tại nằm ở mức 11,28 cho thấy tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế mua cổ phiếu HSG ở vùng giá 21.600 - 22.100 đồng và chốt lời dự kiến ở ngưỡng 12-24% trong vòng 2 tháng. Ngưỡng cắt lỗ khi HSG đóng cửa dưới 19.500 đồng/cp.
>> Hoa Sen (HSG) dự chi 3000 tỷ đồng mua dự án bất động sản ở TP.HCM
Sản xuất thép tại HSG |
NKG - CTCP Thép Nam Kim
Giá HRC đang có xu hướng tăng trở lại do giá quặng và than dần hồi phục, sẽ kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng hạ nguồn như ống thép. Do vậy, NKG sẽ hưởng lợi từ việc xuất khẩu thép HRC nhờ mức chênh lệch giá bán tại Bắc Mỹ - Việt Nam và sản phẩm hạ nguồn như ống thép, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.
Ngoài ra, việc triển khai nhà máy thép Nam Kim Phú Mỹ (trị giá 4,500 tỷ đồng) sẽ được đẩy mạnh trong năm 2024, nâng công suất thép của NKG lên 400,000 tấn mỗi năm.
CTCK KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim với giá mục tiêu 25.300 đồng/cp, mức lợi nhuận kỳ vọng 3% sau khi giá cổ phiếu đã có đà tăng tốt trong quý IV/2023 nhờ phản ánh kỳ vọng về việc tăng giá thép.
KBSV cho rằng biên lãi gộp sẽ cải thiện trong quý IV/2023 nhờ (1) NKG gia tăng hàng tồn kho giá rẻ từ 3Q2023 và (2) giá tôn mạ có xu hướng tăng trong quý IV/2023 tại thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Ước tính tháng 10-11/2023, sản lượng tôn mạ xuất khẩu giảm trung bình 25% so với quý trước, sau khi các nước EU đẩy mạnh nhập khẩu tôn mạ giá rẻ từ Trung Quốc và các nước Châu Á khác từ giữa năm 2023.
KBSV kỳ vọng kết quả kinh doanh của NKG sẽ được duy trì nhờ động lực chính từ kênh xuất khẩu với (1) giá bán cạnh tranh và (2) các nhà sản xuất nội địa tiếp tục giữ công suất sản xuất ở mức thấp để duy trì biên lợi nhuận.
>> Thép Nam Kim (NKG) chấm dứt một dự án đầu tư nhà máy thép
Sản xuất thép tại NKG |
Rủi ro chung của ngành: Khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa có khả năng hồi phục chậm trong năm 2024. Hoạt động xuất khẩu phụ thuộc vào tình hình nhu cầu thép trên thế giới. Giá bán thép, HRC, tôn mạ, ống thép, và các loại nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc,… thường rất khó lường, chịu tác động lớn bởi cung cầu trên thị trường.
>> Triển vọng thị trường năm 2024: Các công ty chứng khoán lạc quan trước rủi ro vĩ mô toàn cầu
Xem thêm tại nguoiquansat.vn