Trụ ngân hàng gắng sức đỡ, VN-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Khoảng 2h12 chiều nay VN-Index có lúc bổ nhào rất nhanh, chỉ số đã “nhúng” qua tham chiếu, giảm 0,04 điểm, gợi lên ám ảnh về đợt xả hàng thường thấy vào “giờ vàng”. Tuy nhiên dòng tiền hấp thụ khá tốt, duy trì được độ rộng cân bằng đến cuối ngày và cổ phiếu ngân hàng không tụt thêm, giúp chỉ số vẫn có được 5,38 điểm tăng và công chính thuộc về 4 mã ngân hàng là BID, VCB, CTG và MBB với 4,8 điểm.

Những đợt bán chốt lời vẫn xuất hiện rất rõ ràng, bằng chứng là độ rộng co giãn liên tục đồng pha với diễn biến của chỉ số VN-Index. Cuối phiên sáng độ rộng cân bằng với 228 mã tăng/211 mã giảm. Đến khoảng 2h, ngay trước khi xuất hiện nhịp lao dốc, độ rộng vẫn ổn định với 227 mã tăng/228. Nhưng đến 2h12 – khi chỉ số giảm sâu nhất – độ rộng chỉ còn 177 mã tăng/291 mã giảm. Rõ ràng là sức ép từ bên bán đẩy giá quay đầu cả loạt và VN-Index mất sạch mức tăng là có sự cộng hưởng rộng rãi của biến động giá.

Rất may là dòng tiền vào bắt đáy khá ổn, đặc biệt là nhóm trụ. Cổ phiếu ngân hàng vẫn là các trụ đỡ đáng tin cậy, dù giá đã suy yếu đáng kể. BID càng về cuối phiên càng kém, đóng cửa chỉ còn tăng 2,26% so với tham chiếu, tương đương đã rơi tới 4,41% so với giá đỉnh lúc 9h45 sáng. BID vẫn là trụ đỡ mạnh nhất của VN-Index, kéo lại 1,7 điểm. Thanh khoản 241,2 tỷ đồng và 4,36 triệu cổ vẫn là mức giao dịch cao thứ 2 trong vòng 2 năm của mã này, chỉ xếp sau phiên ngày 23/2 vừa qua với 363,1 tỷ đồng và 6,94 triệu cổ.

CTG cũng tương tự với nhịp trượt dốc đáng kể buổi chiều, có lúc tụt tới hơn 3% so với giá đỉnh buổi sáng. Tuy nhiên cầu bắt đáy hoạt động tốt giúp cổ phiếu này đóng cửa vẫn tăng 2,29%, thanh khoản 571,2 tỷ đồng cao nhất 10 phiên. VCB, MBB là các mã ngân hàng khác cũng trụ giá tốt với thanh khoản cao. MBB thậm chí khớp 1.049,7 tỷ đồng thanh khoản. 4 cổ phiếu hàng đầu nói trên đã giúp VN-Index có được 4,8 điểm trong tổng mức tăng 5,38 điểm ở chỉ số này. Tổng thể nhóm ngân hàng trên sàn HoSE hôm nay giao dịch gần 6.400 tỷ đồng, cao nhất 10 phiên. Không phải tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều mạnh. Áp lực chốt lời khiến một số mã thậm chí đỏ như TCB, HDB, LPB, VIB… Trong 27 mã nhóm này, cũng chỉ vài cổ phiếu tăng rõ rệt trên 1% là BID, CTG, VCB, MBB, ABB, EIB.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn là lực đỡ chính của chỉ số.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn là lực đỡ chính của chỉ số.

Rổ VN30 không có sức mạnh tổng hợp của nhóm ngân hàng nên khá yếu. Lúc VN-Index chớm giảm qua tham chiếu chưa tới 0,5 điểm thì VN30-Index giảm tới 4,8 điểm. Chốt phiên chỉ số này cũng chỉ tăng nhẹ 0,2% trong khi VN-Index tăng 0,42%. Nguyên nhân là sức mạnh của VCB, BID, CTG khá hạn chế trong chỉ số VN30-Index, nhưng FPT giảm 1,12% lại có trọng số cao.

Độ rộng sàn HoSE cuối phiên có sự phục hồi khá tốt với 248 mã tăng/231 mã giảm. Có 64 cổ phiếu đóng cửa vẫn tăng trên 1% với thanh khoản chiếm 31,3% tổng giá trị khớp sàn này. Phía giảm cũng có 64 mã mất hơn 1% nhưng thanh khoản chỉ chiếm 6,2% sàn. Như vậy động lực tăng giá vẫn có yếu tố hỗ trợ tin cậy từ thanh khoản, dù sức ép bên bán vẫn khiến rất nhiều cổ phiếu hạ độ cao đáng kể so với buổi sáng.

Đáng lưu ý là diễn biến giá suy yếu phiên chiều lại có thanh khoản khá kém: Sàn HoSE chỉ giao dịch thêm 12.383 tỷ đồng, giảm 27% so với phiên sáng. Tính cả HNX, thanh khoản buổi chiều giảm 26,5%. Như vậy cũng không hẳn là sức ép gia tăng đột biến đã ép giá xuống mà đúng hơn là cầu có biểu hiện suy yếu. Nếu cầu vẫn dồi dào như buổi sáng, bên bán xả hàng ra sẽ tạo thanh khoản cao hơn.

Khối ngoại chiều nay giảm hẳn cường độ giao dịch và cân bằng hơn, chỉ còn bán ròng 20,2 tỷ đồng trên HOSE. Phiên sáng khối này đã xả ròng 444,2 tỷ đồng. Không có nhiều thay đổi trong danh sách, các mã bị bán lớn nhất vẫn là VNM -219,3 tỷ, HPG -136 tỷ, VHM -115,7 tỷ, DIG -77,9 tỷ, PVD -69,7 tỷ, VIC -61,4 tỷ, MSN -60,2 tỷ. Phía mua có GEX +192,3 tỷ, KBC +147,3 tỷ, PDR +122,3 tỷ, VCB +78 tỷ.

Xem thêm tại vneconomy.vn