Trước thềm ĐHCĐ bất thường của VIMC: Xóa thành công khoản lỗ lũy kế 240 tỷ đồng, kích hoạt lộ trình thoái vốn Nhà nước xuống 65% vốn điều lệ
Từ bờ vực phá sản đến doanh thu nghìn tỷ
Giống như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin nay đổi thành SBIC), Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines nay đổi thành VIMC) từng gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng 2006 - 2009.
Những "anh cả đỏ" những "quả đấm thép" hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải từ làm ăn có lãi bỗng trở thành gánh nợ của nền kinh tế khi doanh thu âm tới hàng chục nghìn tỷ đồng và để lại những khoản nợ xấu "khổng lồ" cho Nhà nước.
Với SBIC, sau nhiều năm tái cơ cấu nhưng đến nay chưa có tín hiệu khả quan, thậm chí Chính phủ đã dự kiến cho SBIC phá sản vào Quý I/2024.
Cùng hoàn cảnh từng nguy cơ phá sản như SBIC, nhưng VIMC đã có những bước tái cơ cấu thành công khi liên tục có những sự thay đổi mạnh mẽ.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines Lê Anh Sơn, chúng tôi xác định rõ nguyên nhân thua lỗ là do giai đoạn 2006 - 2010, VIMC đã đầu tư đội tàu với giá trị mua rất cao, chi phí vận hành rất lớn. Đây là nguyên nhân lợi nhuận trong mấy năm qua âm. Vấn đề tái cơ cấu, trẻ hóa và vận hành hiệu quả đội tàu cũng là bài toán bắt buộc.
Đến tháng 9/2018, VIMC đã chính thức IPO thành công, dấu mốc quan trọng khi được chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Từ đây, VIMC chính thức vận hành theo hình thức công ty cổ phần, do nhà nước chi phối.
Sau gần 5 năm chuyển về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VIMC từng bước phục hồi, phát triển. Các hoạt động kinh doanh chính như: Cảng biển, Vận tải biển dần mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp ngăn được đà thua lỗ triền miên, thoát khỏi nguy cơ phá sản của giai đoạn trước.
Nếu giai đoạn 2011-2015, khoản lỗ của Tổng công ty lên tới 18.000 tỷ đồng thì đến giai đoạn 2015 – 2022, lợi nhuận toàn VIMC ước đạt 9.800 tỷ đồng. Giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước được bảo toàn và phát triển.
Từ năm 2020 đến 2022, Tổng doanh thu toàn VIMC đạt 41.850 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,7%/năm. Doanh thu thực hiện hàng năm đều tăng hơn 50% so với kế hoạch. Tổng doanh thu năm 2022 tăng 38% so với năm 2020.
Tổng lợi nhuận đạt 7.359,55 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2022 tăng hơn 6 lần so với năm 2020 và lọt vào Top 50 doanh nghiệp, có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Nộp ngân sách tăng bình quân 5,24%/năm, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra là trên 5%/năm.
Cùng với sự tăng trưởng của kết quả sản xuất kinh doanh, quy mô của Tổng công ty cũng tăng trưởng mạnh. Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 5%/năm. Đến 30/6/2023, tổng tài sản ước đạt 27.179 tỷ đồng, tăng 11%; Vốn chủ sở hữu ước đạt 14.672 tỷ đồng, tăng 56%.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2024, VIMC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 3.596 tỷ đồng và 479 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 21% so với cùng kỳ. Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp đã xóa khoản lỗ lũy kế gần 240 tỷ đồng thành công, LNST chưa phân phối tính đến cuối tháng 3/2024 đạt 60 tỷ đồng.
Như vậy, nhìn lại sau 5 năm cổ phần hóa, từ một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, VIMC đã phục hồi ngoạn mục, không những trả hết nợ hàng chục nghìn tỷ đồng mà ngày một làm ăn có lãi.
Không những vậy, hiện VIMC còn là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước và đóng vai trò vận tải quan trọng của nền kinh tế. Đội tàu của VIMC đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam, góp phần vào việc mở rộng giao thương của Việt nam tới rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, Công ty có 34 doanh nghiệp thành viên, trong đó sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia). Một số cảng trọng điểm của cả nước có thể kể đến như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.
Đặt lộ trình tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước xuống 65%
Theo tìm hiểu của MarketTimes, hiện cổ đông nhà nước (Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) đang nắm tới 99,469% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC, mã chứng khoán MVN). Vì thế, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của VIMC, các cổ đông đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của VIMC thông qua phát hành cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại VIMC xuống 65% vốn điều lệ.
Mục tiêu phát hành cổ phiếu tăng vốn lần này có xét ưu tiên cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển loại hình vận tải hàng hoá đặc thù này.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC, theo Chiến lược phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, Tổng công ty đang và sẽ triển khai đầu tư đồng bộ các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chính: hệ thống cảng biển nước sâu tại các khu vực Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cần Giờ, …; đầu tư phát triển đội tàu container và các cơ sở hạ tầng logistics với tổng mức đầu tư khoảng 43.196 tỷ đồng, trong đó, dự kiến giá trị giải ngân giai đoạn 2021-2025 khoảng 31.796 tỷ đồng, vốn tự có khoảng 12.246 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản hiện tại của VIMC chủ yếu tập trung ở tài sản cố định (đội tàu) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
“Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của VIMC là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của VIMC nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh (đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, …), phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của VIMC”, ông Tĩnh cho biết.
Được biết, theo phương án cổ phần hóa của Công ty mẹ - VIMC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018, vốn điều lệ của Công ty mẹ - VIMC là 14.046 tỉ đồng, trong đó, cổ đông Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ nhưng do việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không thực hiện được và tỷ lệ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng thấp nên vốn điều lệ hiện tại của VIMC chỉ là 12.005,8 tỉ đồng, tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại VIMC là 99,469% vốn điều lệ.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, các cổ đông của VIMC đã thông qua tờ trình của HĐQT về việc cập nhật Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025 của VICM, trong đó có chủ trương đầu tư góp vốn thành lập công ty liên doanh giữa VIMC và Công ty Aries Energy Corporation (Hy Lạp). Công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đại lý vận tải hàng hoá, kho bãi, logistics này dự kiến có số vốn điều lệ 200.000 USD, trong đó VIMC góp 102.000 USD, tương đương 51% vốn điều lệ và Aries Energy Corporation góp 98.000 USD, tương đương 49% vốn điều lệ.
Tại Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025 của VICM vừa được cập nhật VIMC sẽ đầu tư một loạt các dự án xây dựng các ICD/depot tại các khu vực kinh tế trọng điểm như: Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang trị giá 1.394 tỷ đồng; góp vốn đầu tư thực hiện Dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ trị giá 15.077 tỷ đồng (VIMC dự kiến góp 30%); thành lập liên danh thực hiện Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng logistics tại Bắc Ninh trị giá 22,1 triệu USD…
Xem thêm tại cafef.vn