TTC Land tạm ngừng 1 công ty con; Cuối năm Sao Ta dễ thở; Hải An đóng tàu mới

TTC Land tạm ngừng TTC Land Hưng Điền

CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã quyết định tạm ngừng kinh doanh CTCP Đầu tư Bất động sản TTC Land Hưng Điền trong vòng 12 tháng, kể từ ngày 01/08/2024.

Hiện, TTC Land đang nắm 61% TTC Land Hưng Điền. Cuối năm 2018, TTC Land công bố góp vốn thành lập TTC Land Hưng Điền với vốn điều lệ gần 1,36 ngàn tỷ đồng. Công ty có trụ sở tại số 253 Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.

CTCP Đầu tư Bất động sản TTC Land Hưng Điền tạm ngừng 12 tháng, kể từ ngày 01/08/2024, theo TTC Land

Đầu năm 2019, sau khi rà soát và cân nhắc, TTC Land đã thay đổi phương án. Vốn điều lệ TTC Land Hưng Điền theo đó còn 300 tỷ đồng, TTC Land nắm 62%, tương đương giá trị góp vốn 186 tỷ đồng, đồng thời cử Tổng giám đốc Bùi Tiến Thắng làm người đại diện vốn của công ty mẹ nhân danh TTC Land để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cổ đông góp vốn theo quy định. Thời hạn ủy quyền là 3 năm.

Đầu tháng 7/2024, TTC Land đã thông báo giải thể cùng lúc 2 công ty con (đều do TTC Land nắm 100% vốn) để tái cơ cấu lại nhóm công ty con nhằm tối ưu việc vận hành, gồm Công ty TNHH MTV TTC Land Retail Management và Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản TTC Land Phú Quốc.

Năm 2021, TTC Land từng giải thể CTCP Năng lượng Thương Tín do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đồng thời không có phương án để tiếp tục hoạt động.

Sao Ta dự báo cuối năm dễ thở

Theo công bố hoạt động nửa đầu năm của CTCP Thực phẩm Sao Ta, thành phẩm tôm chế biến và tiêu thụ đạt lần lượt 11,2 ngàn tấn và 8,4 ngàn tấn, tăng tương ứng là 19,7% và 25,6%; thực hiện khoảng 44% kế hoạch tiêu thụ tôm hợp nhất.

Trong khi đó, thành phẩm nông sản sản xuất và tiêu thụ lại không quá tích cực so với cùng kỳ, chỉ đạt lần lượt 72,8% và 88,8% con số thực hiện năm ngoái. Dù vậy phần tiêu thụ vẫn thực hiện 44% mục tiêu.

Quý III/2024, CTCP Thực phẩm Sao Ta sẽ tập trung thu hoạch vụ nuôi tôm chính

Kết quả này giúp Sao Ta kiếm khoảng 2,4 ngàn tỷ đồng doanh thu (95 triệu USD), tăng 16,6%. Theo Công ty, doanh số tăng thấp hơn sản lượng tiêu thụ do cỡ tôm nhỏ hơn và đơn giá có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, Sao Ta cho rằng, nền tảng ở thời gian còn lại của năm khá vững do đơn hàng tốt.

Về lãi trước thuế, cập nhật từ báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy Sao Ta thu lãi 134 tỷ đồng, đi ngang so với thời điểm một năm trước. Với kế hoạch doanh thu năm nay gần 5.2 ngàn tỷ đồng, lãi trước thuế 320 tỷ đồng, thời điểm này Công ty đã đi được lần lượt 46% và 42% chặng đường.

Doanh nghiệp thủy sản cho biết vùng nuôi, vụ chính đang trong tiến trình thu hoạch tỉa, kéo dài hết tháng 8, và ngay sau đó sẽ thả nuôi vụ tiếp theo. Công ty đánh giá vụ này năng suất tốt nhưng giá tôm thương phẩm sẽ thấp.

Nửa cuối năm được Công ty nhận định sẽ dễ thở hơn do nhu cầu thị trường tăng mạnh, tuy nhiên diễn biến phức tạp từ tình hình xung đột chính trị cũng như lạm phát trên thế giới luôn có thể khiến “cầu” trở nên khó lường. Về phần cung, 2 cường quốc tôm hàng đầu là Ecuador và Ấn Độ cũng không có thông tin chính thống...

Quý III/2024, Công ty sẽ tập trung thu hoạch vụ nuôi tôm chính, sau đó là thả vụ hai. “Công ty tin tưởng vụ tôm chính năm 2024 sẽ là vụ bội thu của doanh nghiệp”, Sao Ta thông tin.

Rạng Đông Holdings tạm ngưng hoạt động 2 chi nhánh

HĐQT CTCP Rạng Đông Holdings vừa có quyết định tạm ngừng hoạt động Chi nhánh - Nhà máy Bao bì nhựa số 1 (Củ Chi, TP.HCM) trong 1 năm từ ngày 20/07/2024-19/07/2025. Trước đó, HĐQT Công ty cũng đã quyết định tạm ngưng hoạt động Chi nhánh Hà Nội (Thanh Xuân, Hà Nội) trong 1 năm từ 17/07/2024-12/07/2025.

Rạng Đông Holdings phấn đấu đạt 80% công suất hoạt động trong năm 2024

Năm 2024, Rạng Đông Holdings lên kế hoạch doanh thu thuần trên 2.722,45 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước. Lãi sau thuế đạt 22,7 tỷ đồng, so với kết quả lỗ 146,7 tỷ đồng năm trước.

Theo Ban lãnh đạo Công ty, sức mua giảm phần nào đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu 2024, đã chủ động lên kế hoạch về chi phí sản xuất gồm: chi phí nguyên liệu, chi phí nhân công, chi phí chung tối ưu nhất nhằm giảm giá thành sản xuất để cạnh tranh và cải thiện doanh thu.

Đồng thời, hoạt động marketing và bán hàng được tiếp cận sát và thực tế đến nhu cầu của thị trường, mở rộng đối tượng mua hàng và sẽ xây dựng nhiều chương trình bán hàng kích cầu tiêu dùng.

Về công suất hoạt động, lãnh đạo Rạng Đông Holdings cho biết Công ty đang hoạt động khoảng 60% công suất. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 đạt được 80% công suất.

Việc tăng công suất lên mức 80% sẽ khiến chi phí cố định trên một sản phẩm giảm, điều đó có nghĩa tổng chi phí sản xuất sẽ giảm và tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng bán lên 33,3% theo công suất sản xuất sẽ bị áp lực đến công nợ phải thu, hàng tồn kho. Trong đó, chi phí vốn, nhu cầu vốn lưu động là thách thức với Công ty.

Quý 1/2024, RDP đạt doanh thu 510,5 tỷ đồng, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng 1,1 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ.

Tổng tài sản RDP cuối quý 1 ở mức 2.074 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Phải thu ngắn hạn của khách hàng ở mức 350 tỷ đồng, giảm 8%. Hàng tồn kho chiếm 856 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 2%.

Công ty đang trích lập tổng cộng hơn 80 tỷ đồng dự phòng các khoản phải thu khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Cuối quý I, Rạng Đông Holdings vẫn còn lỗ lũy kế 204 tỷ đồng.

Sonadezi Giang Điền công bố sạch nợ vay

Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản CTCP Sonadezi Giang Điền đạt gần 3.824 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền tăng vọt lên 414 tỷ đồng, gấp 10 lần đầu năm, với phần lớn là tiền gửi tại ngân hàng.

Năm 2024, Sonadezi Giang Điền đặt mục tiêu thận trọng với tổng doanh thu hơn 417 tỷ đồng

Điểm sáng trong  báo cáo kỳ này là doanh nghiệp không còn vay nợ ngân hàng, đầu năm gần 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sonadezi Giang Điền còn hơn 3,034 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 5%; trong đó phần lớn là doanh thu chưa thực hiện với hơn 2.780 tỷ đồng, chiếm 92% tổng nợ.

Về doanh thu, Sonadezi Giang Điền báo lãi ròng 30 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần SZG đạt hơn 193 tỷ đồng, lãi ròng gần 67 tỷ đồng, lần lượt giảm 23% và 36% so cùng kỳ.

Năm 2024, Sonadezi Giang Điền đặt mục tiêu thận trọng với tổng doanh thu hơn 417 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 122 tỷ đồng, lần lượt kém hơn 5% và 35% so với thực hiện 2023. Công ty dự kiến giữ mức cổ tức 15% trong năm nay.

SZG cũng lên kế hoạch cho thuê 9 ha đất khu công nghiệp và cho thuê/chuyển nhượng 3 nhà xưởng (tùy theo tình hình thực tế tiến độ xây dựng cơ bản) trong năm 2024.

Như vậy, so với kế hoạch, SZG đã đi được 62% với chỉ tiêu tổng doanh thu và 55% cho chỉ tiêu lãi sau thuế sau 6 tháng.

Hai doanh nghiệp đầu ngành nước hé lộ lợi nhuận 6 tháng

CTCP Nước Thủ Dầu Một và CTCP - Tổng công ty nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) công bố ước kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024, với lợi nhuận cùng chiều giảm.

Sáu tháng đầu năm, Biwase ước đạt 1,874 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Lãi sau thuế khoảng 302 tỷ đồng, giảm 9%. Tính đến tháng 6, Biwase chưa ghi nhận doanh thu gần 214 tỷ đồng từ lĩnh vực xử lý chất thải và xử lý nước thải.

Dự án Cải thiện Môi trường Nước Bình Dương (Dự án WEIP) của Biwase

Năm 2024, Biwase đặt mục tiêu tổng doanh thu 4.100 tỷ đồng và lãi sau thuế 700 tỷ đồng lãi sau thuế. Sau 6 tháng, Công ty thực hiện được 46% chỉ tiêu doanh thu và 43% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại Thủ Dầu Một, tổng doanh thu 6 tháng ước gần 298 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, thực hiện được 57% kế hoạch năm. Lãi sau thuế khoảng 82 tỷ đồng, lao dốc 55% và đạt 42% kế hoạch năm.

Công ty cho biết lợi nhuận giảm do cùng kỳ 2023 ghi nhận doanh thu tài chính là cổ tức tiền mặt của BWE, trong khi 6 tháng đầu năm nay Thủ Dầu Một ghi nhận tăng lượng cổ phiếu đầu tư do BWE chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra, chi phí dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng lỗ chênh lệch tỷ giá tăng so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu tài chính Thủ Dầu Một bốc hơi 96%, chỉ đạt 4 tỷ đồng. Doanh thu sản xuất nước tiếp đà tăng trưởng 5%, đạt gần 246 tỷ đồng; ngoài ra phát sinh thêm doanh thu nhượng vật tư gần 48 tỷ đồng.

Thủ Dầu Một là cổ đông chiến lược của BWE, đang sở hữu 37,42% vốn, nhưng xét về quy mô và hiệu quả kinh doanh có sự chênh lệch khá lớn.

Hai doanh nghiệp đều chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho toàn bộ tỉnh Bình Dương. BWE sẽ phân phối nước sạch đến người tiêu dùng cuối cùng. Toàn bộ sản lượng nước sản xuất của Thủ Dầu Một đều được phân phối qua kênh bán sỉ cho BWE.

Năm Bảy Bảy vẫn lãi bất chấp doanh thu bất động sản giảm mạnh

Dù doanh thu thuần giảm đến 92% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy trong quý II/2024 vẫn ghi nhận tăng trưởng.

Doanh thu từ kinh doanh bất động sản của NBB trong quý II chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng

Cụ thể, doanh thu từ kinh doanh bất động sản của NBB trong quý II chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 176 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 96%. Trong khi đó, doanh thu của mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ đã vượt qua mảng bất động sản với hơn 8 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Dù vậy, với chỉ gần 15 tỷ đồng, tổng doanh thu thuần của NBB vẫn ghi nhận giảm đến 92%.

Trong bối cảnh trên, hoạt động tài chính trở thành điểm sáng của NBB khi thu về xấp xỉ 76 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, đa phần đến từ lãi các khoản hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn.

Một điểm tích cực khác là các chi phí đều được tiết giảm đáng kể, trong đó chi phí tài chính giảm 35% nhờ ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, còn chi phí bán hàng và quản lý cũng đều lần lượt giảm 14% và 63% so với cùng kỳ.

Nhờ những yếu tố trên, lãi ròng của NBB trong quý II/2024 vẫn nhích nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt hơn 507 triệu đồng.

Cũng có diễn biến tương tự quý II nhưng lãi ròng 6 tháng đầu năm 2024 của NBB chỉ đạt gần 607 triệu đồng, đi lùi 18%.

Xét về tiến độ thực hiện kế hoạch, với gần 490 triệu đồng lãi sau thuế sau nửa đầu năm, Năm Bảy Bảy chỉ mới thực hiện được gần 3% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2024.

Vận tải Hải An vay tiền để đóng mới tàu 1.800 TEU

HĐQT CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã thông việc vay tối đa 414,3 tỷ đồng tại Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) - chi nhánh Hà Nội.

Theo đó, mục đích vay là tài trợ cho các nhu cầu tín dụng hợp pháp liên quan đến việc đầu tư thực hiện dự án đóng mới tàu container thân tàu số HCY-268, không bao gồm lãi vay tại ngân hàng phát sinh trong thời gian đầu tư.

HAIAN PARK là con tàu đầu tiên trong đội tàu container của HĐQT CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An 

Tài sản đảm bảo cho gói vay trên bao gồm: quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng đóng tàu container số HC2022-03 về việc đóng tàu container 1.800 TEU (thân tàu số HCY-268) ngày 27/01/2022 ký giữa HAH và Huanghai Shipbuilding Co., Ltd, và tàu Haian Mind.

Tại thời điểm 31/03/2024, tổng vay nợ của HAH ghi nhận hơn 1.270 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay tại ngân hàng HSBC là hơn 43 tỷ đồng, đây là khoản vay để tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động của HAH.

Xem thêm tại baodautu.vn