Từ năm 2025, PNJ sẽ không có doanh thu vàng miếng, tập trung vào nữ trang để tăng lợi nhuận?

Thị trường vàng trang sức gặp áp lực trong tìm kiếm nguồn cung vàng nguyên liệu cho sản xuất, Chứng khoán Rồng Việt nhấn mạnh trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành bán lẻ trang sức vừa công bố.

NGUỒN CUNG VÀNG GẶP KHÓ KHĂN

Sau nghị định 24/2012/NĐ-CP, nguồn vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang chủ yếu đến từ nữ trang đã qua sử dụng và các nguồn khác. Mặc dù theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp được xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng chưa có doanh nghiệp nào nhận được giấy phép này trong hơn mười năm qua.

Trước đây, vàng nguyên liệu dùng để sản xuất nữ trang tới từ các nguồn: hoạt động mua đi bán lại nữ trang đã qua sử dụng (đây là hoạt động thường xuyên của các đơn vị kinh doanh nữ trang), nhập khẩu bởi cơ quan Nhà nước, nhập khẩu bởi doanh nghiệp và các nguồn khác. Sau khi Nghị định ra đời, cơ quan Nhà nước không nhập khẩu hoặc cấp phép nhập khẩu, nên trên thị trường chỉ còn lại hai nguồn chính – hoạt động mua đi bán lại nữ trang đã qua sử dụng và các nguồn khác.

Trong thời gian gần đây, Nhà nước siết chặt quản lý nguồn gốc vàng, thông qua các động thái sau: các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra và tịch thu vàng tại các doanh nghiệp bán vàng không có hóa đơn, chứng từ. Từ ngày 15/06/2024, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì sẽ bị rút giấy phép. Hoạt động siết chặt quản lý của Nhà nước và giá vàng leo thang khiến nguồn vàng mua lại trong dân và các nguồn khác càng khan hiếm, làm tăng thêm áp lực về nguồn cung vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP gần đây được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; tuy nhiên, VDSC cho rằng cho đến khi nút thắt về “nhập khẩu vàng” được tháo gỡ, bài toán nguồn cung vàng nguyên liệu vẫn khó có lời giải. Dù được sửa đổi, hoạt động kinh doanh vàng nói chung và trang sức vàng nói riêng vẫn sẽ bị kiểm soát (ngành kinh doanh có điều kiện) và nguồn cung vàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

KINH DOANH VÀNG MIẾNG CỦA PNJ SẼ CHẬM LẠI

Đối với doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nữ trang đang niêm yết (HSX:PNJ), theo VDSC, mảng kinh doanh vàng miếng dự kiến sẽ chậm lại.

Do việc siết chặt quản lý của Nhà nước, trong Q3/2024, trên toàn hệ thống PNJ không có hoạt động mua bán vàng miếng do việc thiếu hụt nguồn cung. Người dân hầu như chỉ mua, không có hoặc rất hiếm có việc bán lại vàng miếng. 

Dự phóng tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho vàng miếng sẽ tiếp diễn cho các năm sau. Điều này dẫn đến việc PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng từ 2025 trở đi. Thực tế, mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là mảng phụ mà PNJ giữ lại để tiếp cận và thu hút khách hàng cho mảng cốt lõi là bán lẻ trang sức, do đó PNJ sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng.

VDSC tin rằng Công ty có thể đáp ứng được nhu cầu vàng nguyên liệu cho mảng này, do mảng trang sức không như vàng miếng, khi người tiêu dùng bán lại sẽ tính theo giá trị hóa đơn mua chứ không theo giá vàng lên xuống từng ngày, nên nhu cầu bán lại trang sức của người dân vẫn còn, và PNJ có biên lợi nhuận gộp cao cho mảng trang sức đến từ phần phụ trội từ thiết kế, dịch vụ, thương hiệu nên có khả năng trả cao hơn để lấy nguồn nguyên liệu vàng từ các bên.

Về dài hạn, tuy vẫn gặp khó khăn về nguồn cung vàng nguyên liệu, PNJ sẽ có thời gian để thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng đẩy mạnh hơn các thiết kế cho biên lợi nhuận cao hơn để bù vào phần tăng chi phí nguyên vật liệu.

Ngoài thay đổi về biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ, thay đổi trong cơ cấu doanh thu theo hướng tăng đóng góp của mảng bán lẻ vốn mang lại biên lợi nhuận cao (mảng vàng miếng không có doanh thu) cũng góp phần làm tăng đáng kể biên lợi nhuận của công ty.

Theo đó, biên lợi nhuận gộp của toàn Công ty thêm 9,8 điểm phần trăm lên 28,1% trong 5 năm tới; và biên ròng tăng thêm 4,2 điểm phần trăm lên 10,1% vào năm 2028. Lợi nhuận ròng về giá trị tuyệt đối tăng 12,0%/năm lên 3.468 tỷ vào năm 2028.

Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan quản lý siết chặt hơn nữa và lâu dài hoạt động kinh doanh vàng và nữ trang, PNJ có thể sẽ thiếu hụt nguồn cung không chỉ mảng vàng miếng mà cả mảng nữ trang. Doanh thu và lợi nhuận của PNJ nói riêng, và các nhà sản xuất – kinh doanh nữ trang có thương hiệu và tiềm lực tài chính nói chung, sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn.

Lúc này, doanh nghiệp có thể có các lựa chọn như sau: Duy trì hoạt động kinh doanh nữ trang bằng cách nhập nữ trang về bán. Nữ trang hoàn thiện khi nhập vào Việt Nam sẽ chịu thuế suất nhập khẩu 30%. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do tác động thêm của thuế suất này mà không thể chuyển hoàn toàn qua cho người tiêu dùng.

PNJ có thể tìm hướng kinh doanh khác cho lợi nhuận tốt hơn. Trong các trao đổi gần đây của PNJ, công ty chia sẻ định hướng mở rộng sang các ngành hàng phục vụ phong cách sống khác. Đây cũng sẽ là một hướng đi tiềm năng cho PNJ trong bối cảnh hoạt động nữ trang gặp khó. Tuy nhiên, do chưa có thông tin về việc PNJ sẽ mở rộng sang ngành hàng nào.

Xem thêm tại vneconomy.vn