Từ những thương vụ hợp tác lớn, hiện thực hoá giấc mơ doanh nghiệp Việt Nam hùng cường

“Cú hích” từ các tập đoàn quốc tế

NVIDIA đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam bằng việc thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI và trung tâm dữ liệu AI. Ông Jensen Huang, nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia đã lần thứ 2 sang Việt Nam và liên tục có các cuộc làm việc, gặp gỡ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

Cùng với thông tin tích cực trên, tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Đặc biệt, đối với thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Thực tế là cũng trong tháng 12/2024, Google đã công bố thành lập Google Việt Nam - một công ty đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Đồng thời, hãng cũng đang tìm kiếm nhân sự cho các vị trí liên quan đến Google Cloud, ứng dụng và game. Trong tháng 11/2024, Foxconn - nhà cung cấp lớn của Apple - thông báo đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, Meta cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo trong khi SpaceX dự định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam…

Theo TS. Sam Goundar, giảng viên cấp cao ngành Công nghệ thông tin tại Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu. Những động thái nêu trên chứng tỏ Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất giá rẻ nữa. Lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư là tính đa dạng, từ dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ cho đến chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và vị trí địa lý thuận lợi.

Khi trả lời báo chí về lý do chọn Việt Nam làm "ngôi nhà thứ 2" của NVIDIA, tỷ phú Jensen Huang đánh giá, Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế, trong đó "siêu năng lực" lớn nhất chính là giá trị gia đình và sự coi trọng giáo dục. Ông bày tỏ tin tưởng Việt Nam là nơi lý tưởng để NVIDIA phát triển các trung tâm R&D và xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ.

Cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ lớn thế giới đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không đứng ngoài cuộc trong việc đón nhận và tận dụng các cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn. Sự chuyển mình này không chỉ thể hiện qua các hợp tác chiến lược mà còn qua việc các doanh nghiệp Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam là sự ra đời và phát triển của những "ông lớn" trong ngành công nghệ và sản xuất.

Tập đoàn VinGroup - một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, đã và đang tích cực chuyển mình từ một doanh nghiệp bất động sản, dịch vụ sang một tập đoàn công nghệ với nhiều dự án tiên phong, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện và công nghệ thông minh. Công ty VinFast của VinGroup không chỉ hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế mà còn “mạnh tay” đầu tư, xây dựng nhà máy trong nước và quốc tế.

Việc NVIDIA mua lại VinBrain - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI của VinGroup được đánh giá là cho phép NVIDIA đi tắt đón đầu về cơ sở dữ liệu nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển.

Tập đoàn FPT hiện đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều tập đoàn quốc tế. Với các dịch vụ tư vấn công nghệ, chuyển đổi số và phát triển phần mềm, FPT đã khẳng định được tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và khu vực ASEAN.

Cũng hợp tác với NVIDIA, nhà máy AI đầu tiên tại Việt Nam được FPT trang bị hàng nghìn chip đồ họa NVIDIA GPU H100, sẵn sàng cung cấp dịch vụ vào tháng 1/2025. Các siêu máy tính sở hữu cấu hình mạnh mẽ sẽ giúp xử lý việc tính toán chuyên sâu nhanh gấp 1.000 lần với các dự án AI hàng nghìn tỷ tham số...

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp lớn như Masan, Vinamilk, Thaco, Viettel… đang không ngừng đẩy mạnh các dự án nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tại Viettel, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà Tập đoàn này đã mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á… để ngày càng khẳng định uy tín thương hiệu của doanh nghiệp nói riêng, Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Tất nhiên, sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam cần một chiến lược dài hạn, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc củng cố nền tảng cho sự phát triển.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như duy trì những chiến lược hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn quốc tế sẽ là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và tận dụng triệt để những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể nói, giấc mơ về một nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam hùng cường đã không còn quá xa vời. Khi doanh nghiệp Việt ngày càng khẳng định được năng lực cạnh tranh, sáng tạo và đổi mới, Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trung tâm công nghệ và sản xuất tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra một tương lai đầy hứa hẹn trong bối cảnh đất nước đang bước nhanh vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn