Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, người dân cần lưu ý gì khi sử dụng thẻ tín dụng?
“Xôn xao” vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ
Gần đây, mạng xã hội "dậy sóng" chuyện một người đàn ông có tên P.H.A sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank và phát sinh dư nợ 8,5 triệu đồng.
Sau 11 năm, đến ngày 30/10/2023, người đàn ông “tá hoả” khi ngân hàng gửi đơn thông báo về khoản nợ quá hạn đối với toàn bộ khoản vay này, với tổng số tiền thanh toán là hơn 8 đồng, trong đó nợ lãi lên đến 8,8 tỷ đồng.
Trước thông tin về câu chuyện của ông P.H.A được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến nhiều người không khỏi “sốc” trước số tiền "lãi mẹ đẻ lãi con" khủng này.
Phía ngân hàng Eximbank cho biết, cách tính lãi, phí này hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa họ và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký ngày 15/3/2013. Theo ngân hàng, khách hàng mở thẻ tín dụng tại Quảng Ninh vào tháng 3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
Công văn nhắc nợ được Eximbank AMC gửi đến khách hàng P.H.A. Ảnh: ManTV |
Ngoài ra, phía ngân hàng cho biết trong gần 11 năm qua, đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp tuy nhiên, "khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ". Tháng 9/2013, ngân hàng đã thông báo bằng văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Ngày 12/12/2017, ngân hàng nhận đơn khiếu nại từ ông P.H.A rằng không nhận được thông báo trên. Cuối năm 2017, ngân hàng cũng đã có văn bản phúc đáp khách hàng, đồng thời đề nghị thanh toán khoản tiền.
Tuy nhiên, ông H.A thông tin rằng, trong suốt nhiều năm, không nhận được bất kỳ thông báo đòi nợ nào từ Eximbank. "Một điểm bất thường trong hợp đồng mở thẻ là số điện thoại thứ hai không phải của tôi. Còn số điện thoại đúng của tôi lại không nhận bất cứ liên lạc nào từ ngân hàng", ông nói.
Eximbank chưa có phản hồi về thắc mắc này nhưng cho biết đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ xử lý nợ.
>> Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ: Khách bức xúc 'tôi không vay xu nào'
Sau câu chuyện này, người dân cần lưu ý gì khi sử dụng thẻ tín dụng?
Bên cạnh thẻ ghi nợ (Debit card), thẻ tín dụng (Credit Card) là một trong những sản phẩm thẻ chủ đạo của ngân hàng. Thẻ tín dụng cho phép người dùng “mượn” ngân hàng một số tiền để thanh toán trong phạm vi hạn mức tín dụng theo thoả thuận.
Hết thời hạn, người sử dụng phải hoàn trả lại số tiền, nếu không sẽ bị tính lãi suất ở mức cao, ngoài ra còn có thể bị ảnh hưởng xếp hạng tín dụng. Hệ thống của các tổ chức tín dụng có lưu trữ dữ liệu lịch sử trả nợ để đánh giá tiến độ trả nợ. Nếu người dùng có các khoản nợ quá hạn, điểm tín dụng sẽ bị đánh giá thấp, khó khăn khi xét duyệt các khoản vay khác về sau.
Việc sử dụng thẻ tín dụng mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Tuy vậy, thông qua câu chuyện trên, người sử dụng cần “bỏ túi” một số lưu ý khi sử dụng thẻ thẻ tín dụng.
Sau câu chuyện trên, người dùng thẻ tín dụng nên "bỏ túi" một số lưu ý sau |
Thứ nhất, người dùng cần quản lý nợ thẻ tín dụng bằng cách nhớ thanh toán đúng và đủ. Việc thanh toán dư nợ đúng hạn giúp tránh phát sinh lãi và phí chậm thanh toán, duy trì lịch sử điểm tín dụng tốt để thuận lợi vay vốn những lần tiếp theo. Chủ thẻ nên thanh toán trước hạn vài ngày, để tránh gặp lỗi hệ thống hoặc cuối tuần sẽ bị dời sang ngày thanh toán tiếp theo.
Thứ hai,người dùng nên thường xuyên kiểm tra sao kê hàng tháng một cách cẩn thận. Cụ thể, cuối mỗi tháng hay trước thời hạn thanh toán nợ, ngân hàng sẽ gửi cho chủ thẻ bản sao kê, thống kê tất cả các khoản đã chi tiêu trong tháng. Khách hàng nên kiểm tra kĩ các thông tin bao gồm: Các khoản chi tiêu, thời điểm thanh toán, địa điểm thanh toán để đảm bảo không xuất hiện những khoản chi “từ trên trời rơi xuống” trong bảng sao kê.
Ngoài ra, nên theo dõi báo cáo tín dụng hàng tháng từ CIC và kiểm tra thường xuyên số dư tín dụng của mình để có kế hoạch chi tiêu phù hợp, kịp thời giải quyết các rủi ro.
Thứ ba, người dùng nên tận dụng những lợi thế do thẻ tín dụng mang lại. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh người dùng có thể tiết kiệm một khoản lớn khi mua hàng nhờ tận dụng mức hoàn tiền, ưu đãi thẻ và phiếu quà tặng. Các ngân hàng luôn có nhiều ưu đãi để thu hút người dùng, chỉ cần thường xuyên theo dõi và nắm bắt. Chẳng hạn, phí thường niên có thể bù đắp dễ dàng bằng cách tận dụng đặc quyền thẻ (hoàn tiền, điểm thưởng...).
Thứ tư, người dùng luôn phải đảm bảo trạng thái cân đối tài chính, đủ tiền để thanh toán đúng thời hạn. Hiện nay, có nhiều người có tới 3-4 thẻ tín dụng trong khi không kiểm soát được tài chính cá nhân, sẽ dễ bị mất cân đối tài chính, gây khó khăn trong việc khả nợ sau này.
>> Giải mã vụ nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ: Bằng cách nào dư nợ có thể tăng gấp 1.000 lần sau 11 năm?
Xem thêm tại nguoiquansat.vn