Tỷ giá có thể tăng lên 25.900 đồng vào cuối năm 2024
Ngày 25/6 Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (ORS) ra báo cáo chiến lược cho nhà đầu tư nửa cuối năm 2024. Trong đó ORS cho rằng, cộng hưởng của nhiều yếu tố đã gây áp lực không nhỏ tới lạm phát và tỷ giá.
ORS dùng mô hình ARIMA (tự hồi quy tích hợp trung bình trượt) đơn biến về dự báo lạm phát cho thấy, với kết quả của mô hình, nếu duy trì như bối cảnh hiện tại, tỷ giá có thể tăng 5,3% (từ đầu năm) đạt 25.901 đồng vào thời điểm cuối năm 2024.
Tuy nhiên, ORS cho hay, về cuối năm sẽ xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi hơn cho tỷ giá như: Cán cân thương mại xuất siêu trở lại khi xuất khẩu tăng mạnh; Hoa Kỳ cắt giảm lãi suất và nhiều quốc gia gia nhập BRICS làm cho đồng USD yếu hơn.
Vì vậy, ORS kỳ vọng tỷ giá ngân hàng thương mại có thể tăng khoảng 3%-4% trong năm 2024.
Mới đây Chứng khoán Shinhan cũng vừa ra báo cáo nhận định triển vọng đầu tư nửa cuối năm 2024.
Theo báo cáo, Chứng khoán Shinhan cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì chính sách lãi suất ổn định, tùy vào từng thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của Fed, áp lực lên tỷ giá được dự báo là sẽ giảm tương ứng.
Chứng khoán Shinhan cho biết, tính đến cuối tháng 5/2024, VND trên thị trường tự do mất giá mạnh 4,4% so với USD và được giao dịch ở mức 25.855 đồng. Với lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed, tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm hướng về mục tiêu 25.500 đồng vào thời điểm cuối năm và tiếp tục giảm trong năm 2025.
Phó thống đốc thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú khẳng định, tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, NHNN rất quyết liệt trong điều hành, đã áp dụng nhiều giải pháp như điều tiết lượng tiền trong lưu thông, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ,…
Ngoài ra, công cụ mua - bán ngoại tệ kỳ hạn giao ngay hoặc có kỳ hạn cũng được NHNN đẩy mạnh trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Giải pháp cuối cùng, nếu cần thiết, NHNN sẽ sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để bán ngoại tệ can thiệp thị trường.
Còn theo TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam, giữ tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của NHNN.
Tiến sĩ chia sẻ, tuyệt nhiên không để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp việc biến động của tỷ giá hối đoái, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất. Bởi vì, có thực tế là, khi tín dụng được mở ra, lãi suất giảm, thì doanh nghiệp đã ở tình trạng quá khó khăn. Do đó, nếu lãi suất vừa giảm xuống ở mặt bằng thấp, giờ lại tăng lên, thì sẽ rất khó.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn