Tỷ giá liên tục 'neo cao', còn nóng đến bao giờ?
Sau một tuần biến động mạnh, tỷ giá USD/VND trong phiên 15/4 tiếp đà tăng. Tại NHNN, tỷ giá trung tâm sáng 15/4 tăng 5 đồng, lên mức 24.891 VND/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 26.136 VND/USD, tỷ giá sàn là 23.646 VND/USD. Tỷ giá USD bán ra tại các ngân hàng quay trở lại mốc 26.000 VND/USD.
Tỷ giá tiếp tục neo ở mức cao, nhất là sau khi tin Mỹ áp thuế quan 46% lên Việt Nam. Ngày đầu tiên sau tuyên bố áp thuế của Tổng thống Trump, tỷ giá USD đã tăng thêm 0,6%. Riêng trong giai đoạn từ 2 – 9/4/2025, tỷ giá trung tâm tăng 110 đồng. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 622 đồng, tương đương 2,5%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, Founder & CEO của Tititada, việc tỷ giá “phản ứng” sau tin thuế quan là điều dễ hiểu bởi trụ đỡ chính của tỷ giá là xuất khẩu. Nếu Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam, chắc chắc tỷ giá sẽ phải chịu thêm áp lực.
Trong báo cáo vĩ mô quý II/2025, các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết VND đã mất giá 1,5% trong thời gian ngắn do Việt Nam bị tính mức thuế đối ứng lên đến 46%.

Mặc dù nhiều đồng tiền, trong đó có VND, đã ghi nhận xu hướng giảm giá so với USD, song các chuyên gia cho rằng mức độ mất giá hiện nay mới chỉ là bước đầu. Tác động từ chính sách thuế quan bất ngờ của chính quyền Mỹ – vốn làm dấy lên lo ngại về rủi ro thương mại toàn cầu – vẫn chưa thực sự phản ánh hết vào thị trường. Đặc biệt, làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp, ra khỏi các nền kinh tế được xem là nhạy cảm với rủi ro vẫn đang diễn ra âm thầm, và nếu xu hướng này tăng tốc, áp lực lên tỷ giá có thể sẽ còn lớn hơn trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, trong báo cáo phân tích mới công bố, các chuyên gia của Ngân hàng UOB nhận định, các đồng tiền châu Á nhiều khả năng sẽ bước vào một vòng suy yếu tiếp theo, sau khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump bất ngờ áp dụng hàng loạt mức thuế quan trừng phạt đối với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Động thái này không chỉ tạo ra cú sốc tâm lý cho thị trường tài chính, mà còn làm gia tăng lo ngại về nguy cơ dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, từ đó gây áp lực lên tỷ giá.
Riêng với Việt Nam, UOB tiếp tục giữ quan điểm thận trọng khi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục tăng trong những quý tới. Cụ thể, ngân hàng này điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND lên mốc 26.500 trong quý II/2025, 27.200 trong quý III, sau đó giảm nhẹ về 26.800 trong quý IV/2025 và 26.500 vào quý I/2026. Điều này đồng nghĩa với việc đồng VND có thể tiếp tục mất giá trong trung hạn.

Trong khi đó, các chuyên gia VCBS lại cho rằng, thị trường ngoại hối và tỷ giá có thể diễn biến tích cực hơn, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như thời gian gần đây. Lý giải về triển vọng tích cực này, các chuyên gia VCBS nhận định, mặc dù hoãn thuế, nhưng vẫn sẽ áp dụng mức 10%, nên nhóm xuất khẩu ít nhiều vẫn bị tác động xấu so với trước kia. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Mỹ vẫn đang được quan sát. Do đó, xu hướng chuyển dịch chuyển cung ứng sang các quốc gia ổn định về chính trị vẫn là xu hướng chính.
Trong 90 ngày tới, VCBS cho rằng Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, đặc biệt từ quốc gia chịu mức áp thuế cao hơn so với Việt Nam.
Thậm chí, xa hơn, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được nâng lên cùng các động thái liên tục trả đũa và Việt Nam vẫn chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
Không chỉ VND, nhiều đồng tiền khác đều mất giá so với USD. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kể từ đầu năm 2025, NDT đã giảm 0,5% so với USD, trong khi IDR mất giá tới 4,7%. Ngược lại, các đồng tiền như EUR hay JPY lại tăng giá so với USD, tăng lần lượt 5,5% và 7% so với cuối năm 2024.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn