Tỷ giá liên tục tăng, chuyên gia "hiến kế" giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó

Việc điều hành tỷ giá năm 2025 tiếp tục gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Diễn biến tỷ giá vẫn đang được doanh nghiệp cũng như các tổ chức kinh tế, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao.

Từ sau kỳ nghỉ Tết (3/2) đến nay, tỷ giá liên tục đi lên. Tỷ giá trung tâm hôm nay (18/2) ở mức 24.602 VND/USD, tăng 277 đồng so với ngày 3/2.

Tại các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank và BIDV, giá USD cũng tăng mạnh và hiện chạm mốc 25.750 đồng ở chiều bán ra.

Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng có mức tăng tương tự. Tỷ giá USD tại Techcombank, Eximbank, VPBank hiện giao dịch quanh mức 25.400-25.750 đồng/USD, tăng trung bình 350-360 đồng mỗi USD ở hai chiều mua vào và bán ra.

Trên thế giới, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện đang ở mức 106,61 điểm.

Các chuyên gia của Ngân hàng UOB cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến USD mạnh lên là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với toàn bộ mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, Trung Quốc ngay lập tức có động thái đáp trả, công bố danh sách các mặt hàng Mỹ bị áp thuế mới. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại kéo dài, khiến USD trở thành kênh trú ẩn an toàn, thu hút dòng tiền đầu tư.

Chuyên gia UOB nhận định USD/VND nhiều khả năng sẽ tiếp tục được neo ở mức cao trong bối cảnh rủi ro toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. (Ảnh: Vietnam+)Chuyên gia UOB nhận định USD/VND nhiều khả năng sẽ tiếp tục được neo ở mức cao trong bối cảnh rủi ro toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng UOB dự báo USD/VND tiếp tục tăng ở mức cao trong bối cảnh rủi ro toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá vàng thế giới có thể đạt 3.000 USD/ounce trong năm 2025.

Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát tại Mỹ cũng đang gia tăng khi thuế nhập khẩu có thể làm giá hàng hóa leo thang. Trước tình hình này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách lãi suất cao để kiểm soát lạm phát. Chính sách này càng làm USD trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư, đẩy tỷ giá USD lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua.

Theo các chuyên gia kinh tế, đồng USD đang duy trì xu hướng tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. So với đầu năm nay, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng 0,18%, đang giao dịch ở mức 25.530 đồng, thiết lập mức đỉnh mới.

Khi đồng USD mạnh lên, dòng vốn toàn cầu thường có xu hướng đầu tư vào thị trường Mỹ nói chung, các tài sản định giá bằng USD nói riêng, khiến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, bị rút vốn. Hệ quả là nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng trên thị trường chứng khoán, góp phần tạo nên các đợt điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index. Trong khi đó, tâm lý phòng thủ trước rủi ro toàn cầu khiến nhà đầu tư nội e dè hơn, nhất là khi chứng kiến những biến động khó lường trên thị trường tài chính quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp, khi tỷ giá tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu, do chi phí đầu vào tăng. Ngành vận tải cũng chịu tác động vì chi phí nhiên liệu và vận chuyển thường tăng theo. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng, làm giảm sức mua, ảnh hưởng đến nhóm hàng tiêu dùng có đầu vào là hàng nhập khẩu.

agribank.jpg
Tỷ giá tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu. (Ảnh: Vietnam+)

Với doanh nghiệp xuất khẩu, về mặt lý thuyết, tỷ giá USD tăng sẽ có lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi ích này đang bị hạn chế bởi chi phí nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa tăng cao, ngoài ra, còn có phí vận chuyển logistics… cũng bị đội lên. Ngoài ra, doanh nghiệp có nợ vay bằng USD chịu áp lực khi VND mất giá, do chi phí trả nợ tăng lên.

Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết thời gian qua, để vượt qua áp lực tỷ giá, các doanh nghiệp đã linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, chuyển hướng thị trường xuất khẩu như tập trung vào các thị trường lớn khác là Nhật Bản, Trung Quốc... và vay mượn bằng đồng tiền nước đối tác. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro để giảm thiểu tác động bất thường đến lợi nhuận.

Một số doanh nghiệp đa dạng hoá đồng tiền thanh toán để phân tán rủi ro, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu chấp nhận bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm tỷ giá, mua kỳ hạn trước để có mức chi phí cố định...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Trong trường hợp dự đoán tỷ giá có thể tăng, doanh nghiệp sẽ mua kỳ hạn trước để có mức chi phí cố định. Doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác với ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại ưu đãi, trích lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá, hay đẩy mạnh thanh toán trước hạn các khoản vay ngoại tệ, đặc biệt là khoản vay USD.”

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng năm 2025 có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND như "sức khỏe" của đồng USD trên thế giới.

tom-xk.jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng không ít. (Ảnh: Vietnam+)

Vì vậy, để đối phó với áp lực tỷ giá, theo ông Hiếu, Việt Nam cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Đặc biệt, phải quản lý tỷ giá linh hoạt, cho phép tỷ giá biến động trong một phạm vi nhất định để phản ánh cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường dự trữ ngoại hối để có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết.

Đáng chú ý, ông Hiếu nhấn mạnh Chính phủ cần thực hiện các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua các chính sách như giảm thuế, hỗ trợ vốn, và đào tạo lao động...

Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng nhận định, năm 2025 tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc và khó dự báo, có thể gây áp lực lên tỷ giá cũng như thị trường ngoại tệ. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

“Mục tiêu chính của Ngân hàng Nhà nước vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều biến động. Sự phối hợp đồng bộ giữa các công cụ chính sách tiền tệ sẽ là chìa khóa để giữ ổn định thị trường ngoại hối, tránh biến động mạnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát thị trường để có chính sách điều hành linh hoạt, tránh biến động mạnh,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh./.

Xem thêm tại vietnamplus.vn