Tỷ giá USD tăng mạnh ngay trong tháng 1, tiến gần đỉnh lịch sử: Đâu là nguyên nhân và có đáng lo ngại?
Tỷ giá USD/VND đã có những diễn biến đáng chú ý ngay trong tháng 1 khi bật tăng trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do.
Cụ thể, tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm 0,7% trong tháng 1/2024, lên mức 24.036 đồng/USD vào cuối tuần qua. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng 1,4% so với cuối năm 2023 lên 24.611 đồng/USD, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2022.
Chung xu hướng, tỷ giá mua – bán USD hiện được Vietcombank niêm yết ở mức 24.395 – 24.765 đồng, tăng gần 350 đồng kể từ đầu năm (tương đương 1,4%) và chỉ còn thấp hơn mức đỉnh lịch sử ghi nhận vào cuối tháng 10/2022 khoảng 0,5%.
Biến động tỷ giá trên thị trường tự do cũng tương đồng với thị trường chính thức, hiện tại, tỷ giá bán USD chợ đen đã đạt mức cao kỷ lục là 25.120 đồng/USD, tăng 1,4% so với cuối năm 2023.
Theo giới phân tích, tỷ giá USD/VND bật tăng trong tháng 1 do ảnh hưởng của diễn biến leo thang của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đi cùng chênh lệch lãi suất USD – VND liên tục duy trì ở mức cao kỷ lục.
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, diễn biến mất giá hiện tại của tiền Đồng do chênh lệch lãi suất USD-VND vẫn còn đang rất lớn. Trong tháng 1/2024, lãi suất cho vay VND qua đêm bình quân trên thị trường liên ngân hàng chỉ khoảng 0,22%/năm, và chênh lệch lãi suất USD-VND là xấp xỉ 5%.
Ngoài ra, diễn biến này cũng gắn với sự phục hồi của đồng DXY trong bối cảnh thị trường giảm bớt kỳ vọng về thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed và số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Theo dữ liệu CME Group, thị trường đang đặt cược khả năng chỉ khoảng 48% Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3/2024, giảm từ mức xấp xỉ 70% vào đầu tháng 1/2024. Những yếu tố trên đã hỗ trợ chỉ số đồng USD (DXY) đã tăng 2,2% trong tháng 1 lên 103,6 điểm - mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2023. Việc tăng giá trở lại của chỉ số DXY đã kéo theo áp lực giảm giá của các đồng tiền khác, trong đó có đồng tiền của Việt Nam.
Theo đánh giá của Chứng khoán KB (KBSV), diễn biến của tỷ giá USD/VND trong tháng 1 đến từ xu hướng tăng của chỉ số DXY cùng với chênh lệch lãi suất USD - VND ở mức cao. Tuy nhiên, mức tăng của tỷ giá USD/VND vừa qua chưa buộc NHNN phải can thiệp do: Thứ nhất, thông thường tỷ giá tăng tối thiểu 2% NHNN mới can thiệp ổn định tỷ giá; thứ hai, tỷ giá liên ngân hàng hiện còn cách xa tỷ giá bán của NHNN (quanh 25.187 đồng/USD); thứ ba, trong bối cảnh lạm phát ổn định ở mức thấp, các chính sách tiền tệ hiện tại vẫn ưu tiên hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Trong trường hợp tỷ giá tăng quá 3% từ đầu năm (tương ứng DXY lên quanh 108), KBSV cho rằng khả năng NHNN can thiệp để ổn định tỷ giá là hiện hữu. Tuy nhiên, nhóm phân tích không đánh giá cao kịch bản này do dư địa tăng tiếp của DXY là khá hạn chế trước kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất trong năm 2024.
Trong kịch bản cơ sở, KBSV kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định hơn trong năm 2024, được dự báo tăng 1,5% đạt mức 24.600 đồng/USD. Nguyên nhân là bởi cán cân tổng thể trong năm 2024 được dự báo thặng dư 7 – 10 tỷ USD, do cán cân thương mại mặc dù thặng dư ít hơn nhưng được bù lại bởi dòng vốn FDI, kiều hối và giảm thâm hụt cán cân tài chính. Bên cạnh đó, việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm sau, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND, cùng triển vọng yếu đi của USD sẽ giúp giảm thiểu tâm lý găm giữ đồng tiền này.
Dự báo về áp lực đối với tỷ giá trong năm 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, thách thức của tiếp tục đến từ mức chênh lệch lãi suất VND - USD trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động USD trong nước và nước ngoài.
Năm 2024, ngoài những diễn biến khó dự đoán từ thị trường thế giới, VCBS dự báo những điểm cộng giúp nhà điều hành có lợi thế trong định hướng thị trường vẫn là: (i) Lượng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam tăng trưởng xong khi môi trường đầu tư duy trì, các thách thức liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu được xử lý thỏa đáng; (ii) Kiểu hồi tăng trưởng ổn định. (iii) Thặng dư thương mại đạt 1-5 tỷ USD đù không còn mức thặng dư đột biến khi nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất bước đầu phục hồi. Sức mạnh đồng USD vẫn là yếu tố tiềm ẩn gây áp lực đối với tỷ giá.
VCBS đánh giá trong điều kiện thuận lợi DXY không tăng mạnh cùng chính sách điều hành linh hoạt của NHNN, VND có thể giữ mức giảm giá hợp lý dưới 3% so với đồng USD trong năm 2024.
Xem thêm tại cafef.vn