Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói về cám dỗ lớn nhất của mình

Năm 2024 có thể xem là năm nhóm các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố khá nhiều thông tin quan trọng, qua đó khiến nhóm cổ phiếu “họ Vin” cũng biến động khá mạnh.

Cập nhật mới nhất từ Forbes, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng từ mức 4,1 tỷ USD hồi giữa tháng 7 lên 4,3 tỷ USD tính tới ngày 2/10. Đà tăng chủ yếu từ sự phục hồi của cổ phiếu Vingroup (VIC) tại Việt Nam và cổ phiếu VinFast (VFS) trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Với tài sản này, ông Vượng đứng thứ 833 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.

Là tỷ phú sở hữu hệ sinh thái toàn doanh nghiệp lớn, nhiều người thắc mắc còn điều gì cám dỗ với ông Phạm Nhật Vượng? Từng trả lời trong một bài phỏng vấn, tỷ phú cho biết cám dỗ lớn nhất có thể nói là công việc. Và trong kinh doanh, tỷ phú Phạm Nhật Vượng luôn đưa ra những mục tiêu rất cao, áp KPI rất cao để đội ngũ luôn phải vận động và “chinh phục” được.

“Tôi thường bị công việc cuốn đi nên nhiều cái không quan tâm. Mọi người bảo đánh golf thì thích nhưng tôi thấy... khó khăn lắm. Mấy người dạy tôi đánh golf xong đều chê "anh có đánh đâu, chả tập trung gì". Vì quả thật, cám dỗ lớn nhất của tôi là làm việc”, ông Vượng nói.

Dù vậy, tỷ phú cũng cho biết bản thân có thú vui khác là “thích tốc độ”. Ông kể, hồi ở Ukraine, ông rất thích lái xe tốc độ cao, từng lái BMW 240 km/h khi 40 tuổi nhưng giờ về Việt Nam thì đường sá không cho phép.

Một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái VinGroup có thông tin mới gần đây:

Thứ nhất là Vinhomes: doanh nghiệp phát triển địa ốc nhà ở lớn nhất Việt Nam với quỹ đất đang quản lý lên tới khoảng 19.600 ha.

Mới nhất, thông tin Vinhomes mở bán đại dự án Vinhomes Cổ Loa (Cổ Loa Global Gate) cũng như đầu tư dự án chiến lược Vinhomes Đan Phượng (Vinhomes Wonder Park) đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chứng khoán.

Theo VNDirect, tổng giá trị doanh số bán hàng chưa ghi nhận lũy kế tại cuối tháng 6/2024 của Vinhomes tăng hơn 33% so với cùng, kỳ lên 118.700 tỷ đồng. Đây được xem là động lực lớn hỗ trợ giá cổ phiếu này.

Vinhomes cũng ghi nhận doanh thu mảng xây dựng tăng vọt nhờ công ty con Vincons, với vai trò là tổng thầu cho các dự án lớn của Vinhomes.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói về cám dỗ lớn nhất của mình- Ảnh 1.

Ảnh: KQKD của Vinhomes.

Thứ hai, VinFast (VFS): doanh nghiệp sản xuất ô tô của Vingroup. Trong đó, việc triển khai mảng xe điện GSM đang là động lực chính cho đơn vị này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét của Vingroup, hãng taxi riêng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - GSM đã mang về gần 5.760 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tới giữa năm 2024, GSM đã có hơn 30.000 taxi điện, có mặt tại 45 tỉnh, thành phố và hợp tác với hàng chục doanh nghiệp đối tác.

Tính đến cuối năm 2023, GSM chiếm gần 18,2% thị phần, chỉ sau Grab, gấp đôi Be Group và gấp 3 lần Gojek, theo Mordor Intelligence. GSM cũng đẩy mạnh thị trường nước ngoài, với việc ra mắt dịch vụ tại Lào hồi cuối năm 2023. Địa điểm tiếp theo là Indonesia, Philippines, theo kế hoạch tiến ra 9 thị trường quốc tế của hãng đến năm 2025.

Hôm 1/10, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã gặp gỡ 50 lãnh đạo doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội nhằm xây dựng một thương hiệu xe điện mạnh, một ứng dụng và một hãng vận tải kết nối nhiều nguồn lực với nhau.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói về cám dỗ lớn nhất của mình- Ảnh 2.

Ảnh: Giao dịch cổ phiếu VFS trên sàn Mỹ.

VinFast vừa phát hành lô trái phiếu VIFCB2429002 và thu về 4.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 18/10/2029, lãi suất cố định 13,5%/năm.

Đây là lô trái phiếu thứ 2 của VinFast trong năm 2024. Trước đó, vào ngày 10/10, VinFast cũng đã phát hành thành công 20.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, thu về 2.000 tỷ đồng. Thời gian đáo hạn vào ngày 10/10/2026, lãi suất cố định 13,5%/năm.

Trong một động thái liên quan, Vingroup đã thông quan nghị quyết HĐQT về việc cấp bảo lãnh thanh toán và sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Vingroup để đảm bảo cho các trái phiếu do công ty con này phát hành riêng lẻ trong năm nay, với tổng mệnh giá tối đa không quá 6.500 tỷ đồng.

Thứ ba, VinBrain: công ty liên kết của Vingroup đã đầu tư 126,6 tỷ đồng (5 triệu USD) vào công ty AI này tính đến tháng 12/2023.

Thông tin gây chú ý mới đây, theo Tech in Asia đưa tin, Vingroup đang muốn bán cổ phần của mình tại hai công ty con trong mảng AI là VinBrain và VinAI. Cụ thể, nhà sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ là Nvidia được cho là đang thảo luận với các bên liên quan để hoàn tất việc mua lại cổ phần của VinBrain. Đây là công ty chuyên về các giải pháp chăm sóc sức khỏe hỗ trợ bởi AI, một nguồn tin tham gia vào các cuộc đàm phán cho biết. Tờ Business Times cũng cho biết Nvidia trước đây đã cân nhắc việc mua lại VinBrain hoặc VinAI.

Tính đến tháng 6 năm nay, Vingroup nắm giữ lần lượt 49,74% và 65% cổ phần tại VinBrain và VinAI.

Xem thêm tại cafef.vn