Ứng phó thế nào trước làn sóng thép ngoại tràn vào?
“Không một nước nào trên thế giới chấp nhận lượng thép nhập khẩu lại lớn hơn cả phần sản xuất trong nước”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định tại Đại hội đồng cổ đông ngày 11/4 khi được hỏi về việc thép cán nóng nhập khẩu tràn vào Việt Nam.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo VietNamNet phỏng vấn TS Hoàng Ngọc Thuận, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế về vấn đề đang gây nhiều tranh luận.
Doanh nghiệp thép mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm
- Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, lượng nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) bằng 143% so với lượng sản xuất trong nước. Quý 1/2024, nhập khẩu thép HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước, nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ tăng đột biến chiếm 75%. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này?
Ông Hoàng Ngọc Thuận:
Có thể thấy trong 2 năm gần đây từ 2021-2023 lượng thép HRC nhập vào thị trường nội địa tăng rất nhanh. Năm 2021 Việt Nam nhập 7,5 triệu tấn thì đến năm 2023 đã nhập tới 9,6 triệu tấn. Rõ ràng có sự gia tăng rất nhanh về lượng nhập khẩu thép HRC. 2 triệu tấn này tương đương mức tăng lớn hơn 25%, đây là tín hiệu tương đối đáng lo ngại.
Nếu tổng nhu cầu nội địa không có sự gia tăng, thì việc tăng đáng kể lượng nhập khẩu sẽ dẫn tới các nhà sản xuất trong nước bị mất thị phần trên thị trường nội địa.
- Ông có thể nói rõ hơn về tác động đến các DN sản xuất thép cán nóng trong nước?
Thứ nhất, năm 2022-2023 ngành sản xuất trong nước cũng có sự gia tăng sản lượng gần 1 triệu tấn nhưng mức tăng trưởng sản xuất này lại không đi kèm tăng trưởng thị phần tại thị trường nội địa. Những số liệu sản xuất thép được công bố cho thấy, từ năm 2022, các nhà sản xuất nội địa đã mất 1,5 triệu tấn tại thị trường trong nước (sản lượng tiêu thụ trong nước của các nhà sản xuất nội địa năm 2022 là 4,9 triệu tấn, đến năm 2023 chỉ còn 3,4 triệu). Như thế, thị phần mất đi của nhà sản xuất nội địa được lấp đầy bởi hàng nhập khẩu.
Thứ hai, chúng ta tiếp tục đặt câu hỏi nếu nhập khẩu gia tăng như vậy có gây tác động nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa? Đây là điều phải quan tâm vì nếu ngành sản xuất nội địa bị triệt tiêu, sau này sản phẩm thép HRC sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Nói cách khác, chúng ta sẽ không tự chủ được sản lượng, giá thành… và quan trọng hơn, ngành sản xuất thép HRC nội địa sẽ khó có thể phát triển được nữa.
Ngoài ra, việc sử dụng thép cán nóng trong nước cũng sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam sản xuất các sản phẩm hạ nguồn xuất khẩu ra nước ngoài. Tức là, các doanh nghiệp này có thể tránh được rủi ro bị các thị trường nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU… áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế.
Thứ ba, thép là mặt hàng quan trọng. Với nhiều quốc gia (ví dụ ở châu Âu, Hoa Kỳ), ngành thép là ngành nhạy cảm vì đây là sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành khác, đặc biệt liên quan tới công nghiệp quốc phòng. Nếu ngành sản xuất nội địa bị triệt tiêu và sản phẩm thép HRC phải phụ thuộc nhập khẩu thì sẽ là điều nguy hiểm (dù với bất kỳ quốc gia nào).
- Qua những phân tích của ông, liệu đã đủ cơ sở áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép cán nóng hay chưa?
Để kết luận đủ cơ sở áp dụng biện pháp chống bán phá giá hay chưa, thì sẽ cần thêm nhiều thông tin khác nữa và đặc biệt là kết luận của cơ quan điều tra. Như các bạn đều biết trong một vụ việc điều tra chống bán phá giá cần 3 điều kiện bắt buộc để áp dụng biện pháp chống bán phá giá:
Điều kiện thứ nhất là phải có hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu, cụ thể là thép HRC tại thị trường VN. Hành vi bán phá giá có hay không, và bán phá giá với biên độ bao nhiêu phần trăm là câu chuyện của cơ quan điều tra.
Điều kiện thứ hai là phải có thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước, hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Có thể tạm thời kết luận ngành sản xuất thép HRC nội địa đã hình thành, và số liệu 2022-2023 cho thấy ngành sản xuất trong nước chịu ảnh hưởng khá tiêu cực từ lượng hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Thông thường để đánh giá xem có thiệt hại hay không thì cần đánh giá một loạt các chỉ số như giá trị và khối lượng bán hàng, thị phần, sản lượng, lợi nhuận, năng suất, giá… để xác định ngành sản xuất nội địa có chịu thiệt hại hay không và thiệt hại này có đáng kể hay không.
Việc thép HRC mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng lo ngại.
Điều kiện thứ ba là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá thép HRC và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa. Chúng ta cần thêm nhiều dữ liệu và đánh giá từ các cơ quan có liên quan, ví dụ như có sự suy giảm thực tế hoặc tiềm ẩn của các chỉ số nói trên hay không, sự gia tăng khối lượng hàng nhập khẩu (nghi ngờ bán phá giá), sự sụt giảm về giá của hàng nhập khẩu…
Tôi cho rằng việc gia tăng đáng kể hàng nhập khẩu và giảm tương ứng thị phần trong nước của các nhà sản xuất nội địa trong cùng thời gian là dấu hiệu khách quan để xem xét mối quan hệ nhân quả.
Quay lại câu hỏi có cơ sở hay chưa thì tôi nhắc lại là cần thêm nhiều thông tin từ Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, nhưng với bức tranh hiện nay thì có thể suy đoán có thiệt hại với ngành sản xuất nội địa.
Thách thức cho ngành sản xuất thép HRC trong nước
- Một số ý kiến cho rằng nếu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì sẽ có những DN trong nước sử dụng thép HRC nhập khẩu chịu thiệt hại?
Đây là điều bất cứ mặt hàng nào cũng gặp phải nếu tiến hành khởi xướng điều tra và áp thuế. Chẳng hạn khi Việt Nam bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra PVTM đối với cá tra, cá ba sa hoặc tôm thì một số nhà nhập khẩu tôm và cá tra, ba sa cũng tỏ ý kiến phản đối quyết định khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Hoa kỳ. Cách đây khoảng 10 năm, khi VN khởi xướng điều tra vụ việc thép không gỉ cán nguội thì một số DN nội địa cũng đã phản đối việc này.
Các nhà nhập khẩu thép HRC và các DN nội địa (những DN sử dụng thép HRC là đầu vào sản xuất) sẽ là những người lo lắng vì giá của thép HRC trên thị trường có thể tăng lên. Điều thứ hai, không những giá thép tăng lên, mà có thể họ sẽ không nhập khẩu được thép HRC nữa (hoặc nhập với số lượng không lớn) và phải mua từ nhà sản xuất nội địa dẫn tới tình trạng độc quyền.
Một trong những điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định của Liên minh châu Âu là phải đảm bảo rằng việc áp dụng biện pháp đó là cần thiết vì lợi ích Cộng đồng của EU. Đây là điều kiện bổ sung mà EU tự nguyện áp dụng bên cạnh 03 điều kiện bắt buộc khác theo quy định của WTO, trong đó có xem xét tất cả các nhóm lợi ích liên quan tại EU, bao gồm: (1) Lợi ích của ngành sản xuất nội địa liên quan; (2) Lợi ích của các nhà nhập khẩu sản phẩm bị điều tra; (3) Lợi ích của nhóm các nhà sản xuất tại EU cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất sản phẩm bị điều tra hoặc sử dụng sản phẩm bị điều tra; (4) Lợi ích của người tiêu dùng tại EU sử dụng sản phẩm bị điều tra…
Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét bức tranh toàn cảnh.
Cho dù điều kiện về “lợi ích Cộng đồng” (có thể gọi là Lợi ích kinh tế xã hội) là điều kiện bắt buộc phải có khi tiến hành điều tra tại EU, cơ quan điều tra cũng sẽ cân nhắc đặc biệt đến sự cần thiết phải loại bỏ các hệ quả bóp méo thương mại mà hiện tượng hàng nhập khẩu bán phá giá gây ra và thiết lập lại tình hình cạnh tranh hiệu quả tại Liên minh châu Âu.
Chính vì thế, tôi tin nếu có hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu, có thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và có mối quan hệ nhân quả thì Việt Nam hoàn toàn có thể khởi xướng điều tra để bảo vệ hợp lý và hợp pháp ngành sản xuất trong nước.
- Tuy vậy, ông có lo ngại việc các doanh nghiệp nhập khẩu thép HRC chỉ được dùng thép trong nước, gây tình trạng độc quyền?
Trước tiên, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ hợp pháp ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu có thể tạo ra những lợi thế nhất định cho ngành sản xuất trong nước và trong vài trường hợp có thể dẫn tới hành vi độc quyền hoặc vị trí thống lĩnh đối với một hoặc một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất được bảo vệ.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện cần được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn khi xem xét bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ nhất, biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ nhằm mục đích bảo vệ doanh nghiệp sản xuất nội địa trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Nếu không có sự bảo vệ hợp lý và hợp pháp này, ngành sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và dẫn tới nguy cơ bị triệt tiêu. Khi đó, môi trường cạnh tranh cũng sẽ bị tiêu diệt và hàng hóa nhập khẩu sẽ đóng vai trò “độc quyền” trên thị trường Việt Nam.
Thứ hai, biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là biện pháp tạm thời trong một thời gian ngắn và có sự điều chỉnh thường xuyên, vì vậy sẽ không thể tạo ra lợi thế lâu dài cho ngành sản xuất trong nước. Hơn nữa, biện pháp phòng vệ thương mại cũng chỉ được áp dụng ở mức độ hợp lý nhằm loại bỏ hành vi cạnh tranh “không lành mạnh” của hàng hóa nước ngoài (bán phá giá hoặc được trợ cấp), chứ không nhằm mục đích hạn chế tuyệt đối hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, nó vẫn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và hợp lý trên thị trường.
Thứ ba, trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhờ có biện pháp phòng vệ thương mại, để đạt được vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh trên thị trường, và lạm dụng vị trí này để tăng giá bán hay có những chính sách bán hàng gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh, hành vi đó sẽ được điều chỉnh và xử lý bởi pháp luật Cạnh tranh của Việt Nam.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta cần xem là Việt Nam còn nhập thép HRC từ những quốc gia nào. Ngoài thép từ các quốc gia đang bị đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá, thì còn quốc gia nào Việt Nam có thể nhập khẩu thép HRC. Có thể thấy trong các năm 2023, lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác vào VN là khoảng 2 triệu tấn tương đương khoảng 25% tổng lượng nhập khẩu. Đây là minh chứng cho thấy rằng các nhà nhập khẩu và DN nội địa có nhu cầu sử dụng thép HRC vẫn có thể nhập từ các quốc gia khác.
4 doanh nghiệp ngành thép chốt phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, chỉ có 1 doanh nghiệp lên kế hoạch chi cổ tức bằng tiền
Xem thêm tại nguoiquansat.vn