USD tăng giá, doanh nghiệp xuất nhập khẩu thêm gánh nặng

Trong những ngày qua, giá USD trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD vẫn quanh mức 24.820 – 24.850 đồng/USD, tăng 1,9% so với thời điểm cuối năm ngoái, trong khi giá USD trên thị trường tự do tăng hơn 3,8% . Còn so với cùng kỳ năm ngoái, giá USD đã tăng 4,5%. Trong ngày 11/3, đồng bạc xanh có lúc lập kỷ lục 25.700 đồng/USD.

Doanh nghiệp chật vật với tỷ giá tăng

Có thể nhìn thấy rõ nhất rằng khi đồng tiền mất giá, nhóm doanh nghiệp vay nợ bằng USD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho hay hiện nay dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD, do đó biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá.

-2958-1710407324.jpg

Giá USD tại ngân hàng đã tăng 1,9% và USD trên thị trường tự do tăng hơn 3,8% so với thời điểm cuối năm ngoái.

“Rất mừng là thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định”, ông Hùng kiến nghị.

Tương tự, ngành hàng không cũng đang mất hàng nghìn tỷ đồng khi giá USD tăng. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết biến động tỷ giá 1% thì ngành hàng không cũng mất 300 tỷ, nếu mà 5% thì chi phí một năm tăng lên 1.500 tỷ. Do đó, Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu hay nhập khẩu, theo các chuyên gia, tác động của tỷ giá sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của họ trước rủi ro này.

Thực tế, một số doanh nghiệp xuất khẩu đang được hưởng lợi từ giá USD tăng cao. Bởi, khi bán hàng cho đối tác nước ngoài, nhà xuất khẩu nhận về USD, quy đổi sang tiền đồng, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi. Những doanh nghiệp có đầu vào phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đang "đứng ngồi không yên". Như ngành dệt may, nguyên liệu sản xuất chủ yếu được nhập khẩu, đa phần thanh toán bằng USD. Bình thường, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá trị hàng xuất khẩu. Nhưng mặt trái là đẩy tăng chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, cũng như lãi lỗ từ chênh lệch tỷ giá.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), so sánh tương quan tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may của thế giới. Trong 2 năm 2022 và 2023, sau đại dịch COVID-19 và trở lại phục hồi, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ đều có xu thế kích thích xuất khẩu.

“Bốn quốc gia trên sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để xuất khẩu. Trong 2 năm 2022, 2023, nước giảm giá đồng nội tệ nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ giảm 50%; Banglades giảm 21%; Trung Quốc giảm 11% và Việt Nam khoảng hơn 3%”, ông Trường cho hay.

So với các quốc gia khác, đồng tiền Việt Nam mất giá ít hơn. Do đó, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong top 5 cỡ khoảng 15%. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm đến 10%, và là nước giảm nhiều nhất trong top 5 nước xuất khẩu dệt may”, Chủ tịch Vinatex cho hay.

Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp xuất nhập khẩu "đắt đỏ" hơn do tỷ giá. Chưa kể, giá cước vận tải biển từ Việt Nam sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ đã tăng gấp 2-3 lần do căng thẳng Biển Đỏ. "Chi phí tăng nhưng giá bán vẫn phải giữ do đã ký hợp đồng với khách hàng. Đồng nghĩa, doanh nghiệp phải giảm lợi nhuận", một doanh nghiệp cho hay.

Doanh nghiệp nên ứng xử ra sao?

Theo bà Trần Thị Hà My, Chuyên gia phân tích vĩ mô tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), từ đầu năm đến nay, tiền đồng mất giá khoảng 1,6 - 1,8% trên thị trường chính thức, những biến động này đã được lường trước và nằm trong dự báo kinh doanh.

Do đó, với kịch bản tỷ giá tăng ở mức vừa phải 2 -3 %, VDSC cho rằng tỷ giá sẽ không tác động quá lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu tỷ giá không giảm trở lại trong nửa cuối năm hoặc mức mất giá vượt biên độ 5% thì tác động sẽ khác.

Theo VDSC, áp lực tỷ giá vẫn sẽ duy trì trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, vẫn có thể chờ đợi những "cơn gió thuận" giúp cho tỷ giá USD/VND giảm trở lại trong nửa cuối năm có thể là triển vọng cắt giảm lãi suất từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhu cầu vốn trong nước phục hồi giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND.

Trong bối cảnh USD tăng nóng, để hạn chế thiệt hại từ tỷ giá, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ nội địa để thay thế nhập khẩu, tăng xuất khẩu đi các thị trường thanh toán bằng USD.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng phân tích, hiện nay, lãi suất vay ngoại tệ đang ở mức cao cùng với rủi ro biến động tỷ giá, doanh nghiệp cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi vay vốn ngoại tệ. Doanh nghiệp chỉ nên vay ngoại tệ khi khả năng sinh lời vượt trội so với tổn thất. Trường hợp vay vốn dài hạn thì có thể thỏa thuận điều kiện lãi suất thả nổi khi dự kiến Fed có thể giảm lãi suất từ năm 2024, qua đó kéo mặt bằng lãi suất cho vay USD cũng như các loại ngoại tệ khác đi xuống.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên trích lập đầy đủ quỹ dự phòng biến động tỷ giá, đẩy mạnh thanh toán trước hạn các khoản vay ngoại tệ (đặc biệt với các doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng đồng USD) để giảm bớt chi phí lãi vay và rủi ro biến động tỷ giá, sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi ngoại tệ…

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn