USD trên thị trường tự do lao dốc, rời xa mốc 26.000 đồng do nhu cầu ngoại tệ giảm

Sáng 17/7, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.256 đồng, tăng 11 đồng so với hôm qua. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng nhẹ. Cụ thể, Vietcombank tăng 11 đồng, đưa giá mua chuyển khoản lên 25.248 đồng và bán ra 25.468 đồng; BIDV cũng tăng thêm 11 đồng khi mua vào 25.487 đồng và bán ra 25.468 đồng…

Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục lao dốc: mua vào 25.510 đồng và bán ra 25.600 đồng. So với hôm qua, giá USD đã giảm 110 đồng ở chiều mua và giảm 90 đồng ở chiều bán.

-4477-1721191129.jpg

So với vùng đỉnh đã thiết lập vào cuối tháng 6, giá USD trên thị trường tự do ở chiều bán ra đã giảm khoảng 400 đồng.

Trước đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do đã có 2 tuần giảm mạnh liên tiếp. Cụ thể, từ 1-12/7 giảm 285 đồng ở cả 2 chiều so với cuối tháng 6/2024. Tích luỹ qua nhiều phiên trong xu hướng đi xuống, hiện mỗi USD trên thị trường tự do đã giảm tới 400 đồng so với đầu tháng này.

Hồi cuối tháng 6, giá USD trên thị trường tự do diễn biến khá căng thẳng khi leo lên mức kỷ lục 26.030 đồng/USD ở chiều bán ra.

Giới phân tích cho rằng tỷ giá giảm theo đà suy yếu mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới. Áp lực điều chỉnh giảm của tỷ giá có thể duy trì trong tuần này khi nhu cầu ngoại tệ để thanh toán không còn cao như giai đoạn đầu tháng vừa qua. Tuy nhiên, mức 25.400 đang là mức hỗ trợ mạnh mà thị trường cần vượt qua lúc này.

“Đà giảm của giá USD trong nước cũng đồng thuận với diễn biến của USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh trong 2 tuần qua. Chỉ số đồng bạc xanh đã giảm 1,6% từ đầu tháng đến nay, hiện giao dịch quanh vùng 104,3 điểm”, một chuyên gia nhận định.

Theo dự báo của Ngân hàng UOB, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có 2 lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 0,25% vào tháng 9 và tháng 12 năm nay. Với kịch bản này sẽ là cơ sở thuận lợi để các nền kinh tế khác có thể cân nhắc cắt giảm hoặc không cần tăng lãi suất chính sách, đồng thời áp lực tỷ giá lên các đồng tiền mới nổi cũng sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, UOB cũng lưu ý khả năng lãi suất USD sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn trong vài năm tới.

Về xu hướng của tỷ giá USD/VND trong thời gian tới, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB thông tin: "Trong kịch bản Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 năm nay, chúng tôi thấy khả năng USD sẽ giảm giá trong nửa cuối năm".

Theo đó, chuyên gia của UOB nhận định tiền đồng có thể phục hồi trong nửa cuối năm cùng với sự đi lên của đồng Nhân dân tệ và sự suy yếu của USD trên diện rộng khi việc cắt giảm lãi suất của Fed được chú trọng. Cụ thể, tiền đồng được dự báo sẽ mạnh dần so với USD lên 25.200 đồng trong quý III; 24.800 đồng trong quý I/2025 và 24.600 đồng vào quý II/2025.

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Bộ phận phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải đối diện với áp lực về tỷ giá trong nửa cuối năm 2024.

Do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hạn hẹp trong khi nhu cầu đối với đồng USD thường tăng trong giai đoạn gần cuối năm, điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro việc tiêu hao dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước không đạt được mục đích kiềm chế đà tăng của tỷ giá. Như vậy, giải pháp sắp tới có thể là Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng tiếp lãi suất trên thị trường mở để thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn