Ủy ban Kinh tế muốn làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại Vietcombank

Chiều 23/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo Quốc hội phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, thực trạng tài chính, kết quả kinh doanh; thực trạng vốn tự có, nhu cầu vốn tự có cũng như kế hoạch tăng vốn của ngân hàng này và nguồn đầu tư bổ sung của Nhà nước.

Theo đó, Vietcombank đã nghiên cứu các nguồn bổ sung vốn tự có như phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ, phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức, song trong bối cảnh hiện nay, việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ và phát hành trái phiếu tăng vốn không khả thi. Vì vậy, ở thời điểm này, Vietcombank đề xuất cho phép được sử dụng lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu. 

Theo báo cáo của Vietcombank, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank là 27.702 tỷ đồng (tương đương 49,564% vốn điều lệ). Vietcombank đề xuất được tăng vốn điều lệ từ các nguồn trên với số tiền 27.666 tỷ đồng (để đảm bảo tỷ lệ làm tròn là 49,5%). Phần lợi nhuận còn lại 36 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào các đợt phát hành sau). Vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng. Sau khi phát hành tăng thêm 27.666 tỷ đồng, vốn điều lệ của Vietcombank là 83.557 tỷ đồng. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2024, tổng vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng đạt 1.069.050 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, quy mô vốn điều lệ của Vietcombank đứng thứ 4 trong hệ thống, sau VPBank, Techcombank và BIDV. 

Với phương án này, phần lợi nhuận được chia cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu là 20.695 tỷ đồng (làm tròn). Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietcombank. Số liệu trên đã được Kiểm toán xác nhận khi kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023 của Vietcombank. Do vậy, Chính phủ thống nhất mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung tại Vietcombank là 20.695 tỷ đồng.

Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn điều lệ tăng thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển và chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu chung là nâng cao năng lực tài chính, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Basel III. 

Hoạt động tăng vốn nói trên cũng nhằm mở rộng quy mô hoạt động, hiện đại hóa ngân hàng, hoàn thành các mục tiêu theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đọan 2021-2025”, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, cụ thể là nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại yếu kém trong tháng 10/2024. Đồng thời, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau những khó khăn do đại dịch và thiên tai. 

Do đó, Chính phủ đề nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại Vietcombank trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước.

Trong đó, trọng tâm là mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, thực thi các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình quản trị hiện đại, đầu tư công nghệ số, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tính đến hết tháng 6/2024, tổng vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng đạt 1.069.050 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2023 (theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước).

Trong đó, VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống, đạt 79.339 tỷ đồng, không biến động so với cuối năm 2023.

Đứng thứ 2 là Techcombank với có vốn điều lệ đạt 70.450 tỷ đồng, tăng 100% so với cuối năm 2023.

Ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là BIDV và Vietcombank, với vốn điều lệ lần lượt đạt 57.004 tỷ đồng và 55.891 tỷ đồng, đều không biến động so với cuối năm 2023.

VietinBank giữ vị trí thứ 5, với vốn điều lệ đạt 53.699 tỷ đồng, giữ nguyên so với cuối năm 2023.

Ngoài 5 vị trí dẫn đầu, trong Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất còn có: MB có vốn điều lệ đạt 52.870 tỷ đồng (tăng 1%), Agribank có vốn điều lệ đạt 51.615 tỷ đồng (tăng 25%), ACB có vốn điều lệ đạt 44.666 tỷ đồng (tăng 15%), SHB có vốn điều lệ đạt 36.629 tỷ đồng (tăng 1%) và HDBank có vốn điều lệ đạt 29.076 tỷ đồng (không thay đổi so với cuối năm 2023).

Xem thêm tại vneconomy.vn