Uy tín của doanh nhân

Không rõ giá trị thực của hai chiếc túi ấy cũng như uy tín thế giới của vợ chồng vị doanh nhân-phạm nhân này thế nào, song có thể nhìn thấy được ngay “uy tín” của bà Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát trong việc “làm xiếc” để rút tiền từ ngân hàng SCB, gây thiệt hại gần 498.000 tỷ đồng và tham ô hơn 304.000 tỷ đồng của ngân hàng này rồi dùng tiền chọc thủng hệ thống giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng và biến hàng loạt quan chức thành con tin phục vụ cho lợi ích bất minh của bà và gia đình. Đồng thời gây thiệt hại cho trên 35.000 người, trong đó đẩy hàng vạn nhà đầu tư trái phiếu vào cảnh lao đao.

Một doanh nhân khác cũng đang nổi đình nổi đám trong thời gian qua nhờ vào “uy tín” của mình. Đó là bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam (Bình Dương), người vừa bước trở lại ghế nóng này sau khi thi hành án phạt tù. Trước đó, lợi dụng uy tín của mình, bà Hằng đã tổ chức livestream xúc phạm danh dự nhiều người trên mạng xã hội và thậm chí đe dọa người khác. Bà đã bị Tòa án phạt 2 năm 9 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Bà hứa, sau khi chấp hành án sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự. Song, ngay sau khi ra tù (19/9/2024), bà đã tổ chức livestream nhằm mục đích biến mình thành người hùng, đồng thời là nạn nhân trong vụ án kể trên nhằm tìm kiếm sự thương cảm từ công chúng. Từ đó kích động đám đông hiếu kỳ và cả tin, gây nhiễu loạn xã hội. “Sau bao nhiêu thương tích thì tôi có thương hiệu”- bà Hằng lập ngôn và nhắc lại nhiều lần trong buổi livestream.

Cũng cậy vào “uy tín”, ba cha con doanh nhân Trần Quý Thanh đã lừa gạt đối tác trong vụ làm ăn chuyển nhượng đất đai và đã phải trả giá. Trước đó, cha con ông đã bày mưu tính kế đẩy một người dân thiếu hiểu biết vào vòng lao lý chỉ vì một… con ruồi. “Vụ án con ruồi” đã khiến công chúng hoài nghi về uy tín và những giá trị đạo đức mà doanh nhân này luôn rao giảng. Cho đến khi, phi vụ lừa đảo đất đai được phanh phui thì chiếc mặt nạ uy tín, đạo đức hoàn toàn rơi ra, để lộ rõ chân tướng của doanh nhân đình đám một thời.

Gần 10 năm trước, ở tuổi 66, ông Phạm Văn Bên - Giám đốc DNTN Cỏ May ở miền bưng biền Đồng Tháp - đã quyết định đầu tư 42 tỷ đồng xây dựng một ký túc xá hiện đại có sức chứa khoảng 430 chỗ ở và hoàn toàn miễn phí cho sinh viên. Ký túc xá được xây dựng tại Trường đại học Nông lâm TPHCM từ giữa năm 2015. Ngoài ra, ông còn dành từ 15-20 tỷ đồng mỗi năm để trang trải học phí và giúp đỡ sinh viên nghèo học tập.

Chị Phạm Thị Tố Uyên, con gái lớn ông Bên thuật lại, thấy các con lo lắng bởi quy mô lớn nên khó đi được đường dài, ông Bên cười nhẹ nhàng nhưng đầy lạc quan: “Khi nào người dân còn tin tưởng, còn ủng hộ mình thì khi đó chúng ta vẫn có điều kiện chăm lo cho sinh viên nghèo. Muốn vậy, bằng mọi giá các con phải giữ chữ tín trong sản xuất, kinh doanh. Nếu mình thu được một đồng lời thì các con phải dành ít nhất nửa đồng chăm lo cho người nghèo. Đó là trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội. Ba tin các con làm được. Khi ba qua đời thì các con, rồi con của các con sau này cũng phải giữ nguyên tắc đó để dự án ký túc xá của ba được trường tồn”.

Ông Bên qua đời vì trọng bệnh năm 2016, khi dự án xây dựng ký túc xá chưa hoàn thành. Song, các con ông vẫn tiếp nối và hiện thực hóa ước mơ của ông. Sau 8 năm hoạt động (từ 2017), đến nay Công ty Cỏ May đã hỗ trợ khoảng 900 sinh viên của 25 trường đại học, từ việc ăn ở đến tiền học phí trong cả khóa học.

Là người hàng năm tham gia xét duyệt hồ sơ cho sinh viên vào ở ký túc xá Cỏ May, TS.Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM - cảm kích: “Doanh nhân Phạm Văn Bên được mệnh danh là người thầy không bục giảng, rất đáng quý, đáng trân trọng”. Điều khiến vị Phó hiệu trưởng hết sức tâm đắc và cảm thấy hạnh phúc cùng với các sinh viên là sau khi ông Bên đi xa, gia đình vẫn tiếp tục nghĩa cử tốt đẹp và nhân văn này. Mặc dù vậy, “cả gia đình không hề quan tâm đến việc vinh danh, thậm chí còn muốn né tránh các phần thưởng, không muốn truyền thông việc này…”, TS. Lý chia sẻ.

Cách đây ít hôm, người viết bài này đến thăm Mũi Cà Mau và bắt gặp phiến đá có ghi dòng chữ: “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam”. Đây là chương trình do Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) khởi xướng và thực hiện từ hơn chục năm qua, đã trồng hơn 1,1 triệu cây xanh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đất Mũi. Nhiều chương trình khác hướng đến phát triển bền vững cũng đã được Vinamilk thực hiện được 10 đến 20 năm như Sữa Học đường; Quỹ sữa Vươn Cao Việt Nam… Riêng Quỹ sữa Vươn Cao Việt Nam đã bền bỉ trao tặng hơn 42 triệu ly sữa đến hơn nửa triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước trong 17 năm qua.

Uy tín của doanh nhânảnh 1

Ký túc xá do doanh nhân Phạm Văn Bên và gia đình đầu tư xây dựng tại Trường đại học Nông Lâm TPHCM

Bà Mai Kiều Liên, người có gần 50 năm cống hiến và hơn 30 năm trong vai trò Tổng Giám đốc Vinamilk từng chia sẻ với người viết về khát vọng làm cuộc “Cách mạng trắng” của mình và bà đã thành công. Bằng tâm lực và uy tín của mình, nữ doanh nhân trong Top 50 quyền lực nhất châu Á này đã đưa Vinamilk từ một doanh nghiệp nhỏ trong nước trở thành doanh nghiệp thuộc tốp đầu toàn cầu trong lĩnh vực sản, xuất chế biến sữa.

Uy tín của doanh nhânảnh 2
Chương trình “Trồng 1 triệu cây xanh” do Vinamilk khởi xướng và được triển khai tại Bến Tre đầu năm 2015 với sự tham gia của lãnh đạo Quốc hội và các bộ ngành, địa phươngẢnh: Đại Dương

Muốn phát triển, mỗi doanh nhân phải xây dựng uy tín cá nhân cũng như uy tín cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, điều đó phải được tạo dựng trên nền tảng thượng tôn pháp luật, tôn trọng lợi ích hợp pháp của người khác, không vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng. Nếu vì lợi ích cá nhân hay doanh nghiệp mình mà chà đạp lên lợi ích cộng đồng, tìm cách luồn lách, gian lận, vơ vét, chiếm đoạt tài nguyên của đất nước và nhân dân, bóc lột người lao động… thì trước sau cũng sẽ chuốc lấy hậu quả và không ít kẻ đã phải trả giá đắt vì điều này.

Quan trọng hơn, phải sử dụng uy tín có được vào mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ đem lại sự thành công, phồn vinh cho doanh nghiệp và người lao động mà còn phải đem lại những giá trị hữu ích cho xã hội. Có như thế mới góp phần làm cho quốc gia thịnh vượng và xứng đáng với vị thế doanh nhân. Uy tín doanh nhân là một giá trị luôn đi liền, nếu không muốn nói là đồng nghĩa với đạo đức. Khi và chỉ khi có đạo đức và làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, người kinh doanh mới trở thành doanh nhân đúng nghĩa và xứng đáng với ý nghĩa cao quý nhất của từ này.

Xem thêm tại tienphong.vn